Phỏng Vấn CSVSQ Bùi Phạm Thành - Hành Trình Của Một SVSQ Của TVBQGVN - Đại Hội Võ Bị Toàn Cầu Kỳ Thứ 22

 

 

Tuesday, March 10, 2020

Phỏng Vấn CSVSQ Bùi Phạm Thành - Hành Trình Của Một SVSQ Của TVBQGVN




Nam Anh: Thưa quý vị, hôm nay, trong chương trình Áo Trận Bạc Màu (ATBM) kỳ thứ 118, Nam Anh hân hạnh được tái ngộ, một lần nữa với Ông Bùi Phạm Thành, là Cựu Sinh Viên Sĩ Quan (CSVSQ) khóa 25 của Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam. Người hiện đang đảm nhiệm chức vụ trưởng ban truyền thông và báo chí trong ban tổ chức Đại Hội Võ Bị Toàn Cầu Kỳ Thứ 22 vào ba ngày 22, 23 và 24 tháng 5 năm 2020 sắp tới đây, tại thành phố Westminster thuộc miền nam của tiểu bang California.

Nam Anh thân ái, chào tái ngộ ông Bùi Phạm Thành.

Bùi Phạm Thành: Xin chào Nam Anh và toàn thể quý thính giả của đài Việt Washington DC Radio. Vâng, chúng tôi cũng rất hân hạnh tái ngộ cùng Nam Anh và quý thính giả để được tiếp tục những câu chuyện về Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam (TVBQGVN) và sinh hoạt của Tổng Hội CSVSQ của TVBQGVN ở hải ngoại, và nhất là Đại Hội Võ Bị Toàn Cầu kỳ thứ 22, một sinh hoạt rất đặc biệt của Tổng Hội được tổ chức hai năm một lần tại các thành phố lớn khác nhau ở Hoa Kỳ để anh em có dịp gặp gỡ, hàn huyên, tâm sự, giải quyết những khó khăn trong hai năm vừa qua, nếu có, và bầu chọn một vị Tổng Hội Trưởng cho nhiệm kỳ 2 năm sắp tới. Lần này là nhiệm kỳ 2020-2022

Nam Anh: Qua các cuộc nói chuyện với các Cựu Sinh Viên Sĩ Quan của Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam, Nam Anh cũng biết được ít nhiều về cuộc đời và sinh hoạt của người Sinh Viên Sĩ Quan trong thời thụ huấn nơi quân trường cũng như phục vụ ngoài chiến trận. Nam Anh được biết rằng ông là một thành viên trong Ban Biên Tập quyển sách Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam - Theo Dòng Lịch Sử, vậy thì ông có thể cho Nam Anh và quý thính giả của đài biết về tiểu sử của Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam được không ạ.

Bùi Phạm Thành: Cám ơn câu hỏi của Nam Anh. Lịch sử của TVBQGVN trải dài gần 30 năm và đã được ghi chép lại rất đầy đủ trong quyển Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam - Theo Dòng Lịch Sử, mà tôi hân hạnh là một thành viên trong ban biên soạn. Bởi vì không thể đem một câu chuyện dài gần 30 năm được ghi lại trong quyển sách lịch sử dày hơn 800 trang để tóm tắt trong vài giờ, nói chi đến trong chương trình phát thanh chỉ có mấy mươi phút. Thế cho nên, tôi xin tóm tắt một vài điểm chính về Trường Mẹ của chúng tôi như sau:

  • Vì nhu cầu huấn luyện sĩ quan cho Quân Đội Việt Nam, một trường huấn luyện quân sự cao cấp được thành lập ở Huế năm 1948 với tên gọi “Trường Sĩ Quan Việt Nam”.
  • Sau khi huấn luyện được 2 khóa đầu tiên, năm 1950, vì lý do thời tiết và địa dư, trường được chuyển về thành phố Đà Lạt.
  • Vị trí đầu tiên của trường là một trung tâm huấn luyện ngành quân xa của quân đội Pháp để lại, gần Hồ Than Thở, cách thành phố Đà Lạt khoảng 5 cây số (km) về hướng Đông Bắc, với tên gọi là “Trường Võ Bị Liên Quân Đà Lạt". 
  • Đến năm 1955, trường tiếp nhận thêm một khu doanh trại, trước kia là một Quân Y Viện của Pháp, và đặt tên là khu Cộng Hoà, khu trường cũ được gọi là khu Quang Trung. 
  • Năm 1959, trường được đổi tên là “Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam” với chương trình huấn luyện được thay đổi từ 2 đến 3 năm và sau đó là 4 năm, với khoá 15 là khoá đầu tiên của chương trình 4 năm.
  • Năm 1960, vị tổng thống thời bấy giờ là tổng thống Ngô Đình Diệm làm lễ đặt viên đá đầu tiên trên khu vực đồi 1515, nơi được chọn làm vị trí xây cất một ngôi trường mới, theo tiêu chuẩn quốc tế do kiến trúc sư Ngô Viết Thụ vẽ kiểu, để làm nơi cư trú cho 1,000 sinh viên sĩ quan của 4 khoá, và được đặt tên là khu Lê Lợi. 
  • Theo tình hình chiến sự, chương trình huấn luyện của trường từ năm 1961 đến 1967 được rút ngắn còn 2 năm, áp dụng cho 5 khóa, là các khóa 18, 19, 20, 21 và 22A. Đến khoá 22B thì trở lại với chương trình 4 năm.
  • Năm 1968, bắt đầu từ khoá 25, chương trình huấn luyện được đổi từ thuần túy Bộ Binh qua Liên Quân Chủng, để huấn luyện sĩ quan hiện dịch cho cả 3 quân chủng Hải, Lục và Không Quân.
  • Tháng 3 năm 1975, với tình hình của đất nước, và để bảo vệ sinh mạng của hơn 1,000 sinh viên sĩ quan của các khoá 28, 29, 30 và 31, Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam được lệnh di tản về Long Thành.
  • Ngày 21 tháng 4 năm 1975, hai khoá 28 và 29 đã đồng cử hành lễ mãn khóa trong hoàn cảnh bi hùng, với quân phục tác chiến và mũ sắt. Ngay sau đó, các tân sĩ quan đã lập tức ra trình diện đơn vị để chiến đấu vào những giờ phút sau cùng của cuộc chiến Quốc-cộng.
  • Ngày 30 tháng 4 năm 1975, vì vận nước, SVSQ hai khóa 30 và 31 đã phải ngậm ngùi giã từ đồng đội, trở về cuộc sống dân chính với tương lai vô định, nổi trôi theo vận nước. Công cuộc đào tạo sĩ quan hiện dịch của TVBQGVN tạm kết thúc kể từ ngày ấy.

Tóm lại, theo dòng lịch sử, từ năm 1948 đến năm 1975, TVBQGVN đã huấn luyện 31 khoá chính, mang số từ 1 đến 31, và 2 khóa phụ là khoá Trung Đội Trưởng Cấp Tốc (FACS) và khoá Vương Xuân Sỹ. Đồng thời có 2 khóa phụ, từ trường sĩ quan trường bị Thủ Đức gửi lên để học quân sự là khoá Đống Đa (khoá 3 phụ), và Cương Quyết (khóa 4 phụ), làm lễ tốt nghiệp ở trường Thủ Đức với cấp bậc Thiếu Uý trừ bị.

Ngoài ra còn có các khóa đặc biệt huấn luyện quân sự cho:

  • Sĩ Quan Quân Y
  • Sinh Viên Quốc Gia Hành Chánh
  • Tuyên Uý quân đội
  • Quân sự học đường cho học sinh và sinh viên của các trường Trung Học và Đại Học ở Đà Lạt.

Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam đã được tuyên dương công trạng trước Quân Đội 3 lần, và được mang Dây Biểu Chương màu Anh Dũng Bội Tinh (Vàng, Đỏ).

Đó là sơ lược và vắn tắt về lịch sử của TVBQGVN mà tôi có thể trình bày trong một thời gian ngắn nhất.

Nam Anh: Cám ơn ông Bùi Phạm Thành, xin ông cho biết nếu có người muốn có quyển Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam - Theo Dòng Lịch Sử để nghiên cứu thì phải làm sao, thưa ông?

Bùi Phạm Thành: Cám ơn Nam Anh đã đặt một câu hỏi thật hay. Theo dự tính thì quyển sách này được soạn ra để làm sách kỷ niệm cho cựu SVSQ và Đại Gia Đình Võ Bị cũng như đăng bạ và lưu giữ tại Thư Viện Quốc Hội Hoa Kỳ (Library of Congress) để tham khảo. Thế cho nên sau khi phân phối thì chỉ còn lại một số rất ít để phổ biến ra ngoài quần chúng. Quý vị nào muốn có được quyển sách này để tham khảo thì có thể liên lạc với các cựu SVSQ của TVBQGVN để được hướng dẫn chi tiết.

Nam Anh: Cám ơn ông Bùi Phạm Thành. Nhân đây xin ông cũng tóm lược điều mà Nam Anh gọi là “Hành Trình Của Một Sinh Viên Sĩ Quan Của Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam", từ lúc còn là một học sinh hay sinh viên dân chính để trở thành một người sĩ quan hiện dịch cho Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, qua sự huấn luyện của Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam.

Bùi Phạm Thành: Cám ơn câu hỏi rất thú vị của Nam Anh. Trước khi trả lời câu hỏi này, tôi xin mời Nam Anh và quý thính giả nghe tâm sự của một cựu SVSQ của TVBQGVN, người đã từng đeo trên vai đôi alpha đỏ, và đã có một thời gian lưu trú bốn năm tại xứ Hoa Đào thơ mộng của vùng cao nguyên Nam Trung Phần có tên là Đà Lạt, nhạc phẩm “Cao Nguyên Phố Nhỏ" do tôi sáng tác và trình bày.


------------------- bài hát Cao Nguyên Phố Nhỏ -----------------

Đà Lạt, con phố nhỏ trên vùng cao nguyên. 
Nơi tôi đã tạm dừng chân trong bốn năm thụ huấn ở TVBQGVN.
Bốn năm đã hun đúc tôi từ một cậu thư sinh thành một người đầy đủ nghị lực để dấn thân.
Đà Lạt với những con dốc, ngọn đồi chập chùng.
Thông xanh bạt ngàn, với đỉnh Lâm Viên sừng sững như thách đố với thời gian.
Có hồ Than Thở, hồ Xuân Hương, và những con đường quanh co phố chợ vẫn còn trong trí nhớ...

------------ /// -----------


Cám ơn quý vị, bây giờ tôi xin trở lại với câu hỏi của Nam Anh. Đây cũng là câu hỏi khó, vì cũng là đem chuyện 4 năm mà gom lại trong 5, 10 phút thì chắc là không được, thế cho nên tôi cũng chỉ xin vắn tắt và sơ lược mà thôi:

Cuộc “Hành Trình Của Một Sinh Viên Sĩ Quan Của Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam" như Nam Anh đã hỏi thì cũng giống như hầu hết các cuộc hành trình trong đời của một người. Có nghĩa là cũng đủ “chua, cay lẫn ngọt bùi". Nhưng vì là đời lính, mà lại là lính hiện dịch, nên có thêm những hào hùng và bi tráng.

Cuộc hành trình này bắt đầu bằng một cuộc thi tuyển, nhiều khi rất gay go như trường hợp của khóa 25, năm 1968, sau tết Mậu Thân, có trên 3,000 thí sinh tranh nhau 298 chỗ qua một kỳ thi tuyển về văn hoá và chọn lọc về thể chất.

Sau khi trúng tuyển nhập trường thì lại phải qua một thời kỳ khó khăn nhất của đời lính là thời gian Tân Khoá Sinh, nhưng được anh em chúng tôi nhắc đến với nhiều tên khác nhau như “8 tuần sơ khởi", “8 tuần thử thách", “8 tuần lột xác" ... Cũng vì sự khó nhọc và chương trình huấn luyện rất khắt khe trong thời gian này, nên cũng được biết với tên gọi không chính thức là “8 tuần huấn nhục." 

Đây là thời gian “lột xác" để người thanh niên dân chính lột bỏ tất cả những gì liên hệ đến cuộc sống và thói quen dân chính để tập làm một người lính ở cấp bậc thấp nhất của quân đội. Phải học lại từ đầu, từ cách đi đứng, ăn nói, xưng hô, và sinh hoạt thường ngày. Vuông góc là tiêu chuẩn hàng đầu. Đi đều bước, quẹo vuông góc, ngồi thì lưng và đùi làm thành một góc vuông, bưng bát cơm lên rồi đưa vào miệng hay lúc để xuống cũng phải làm thành một góc vuông, quần áo xếp trong tủ thì phần nhìn thấy từ bên ngoài cũng phải xếp cho vuông góc, bởi vì tủ có cửa nhưng không bao giờ được đóng. Chăn nệm sau khi thức dậy thì cũng phải xếp, phải nắn vuốt cho vuông góc, giầy lúc nào cũng phải giữ bóng như gương, phòng ở lúc nào cũng phải sạch sẽ, gọn gàng. Từ sàn nhà cho đến nóc tủ không một hạt bụi, bởi vì cán bộ đàn anh có thể khám xét bất cứ lúc nào, với đôi găng tay trắng quẹt bất cứ chỗ nào mà thấy găng bị bẩn hay có bụi là bị phạt ngay lập tức, ít nhất cũng hàng chục cái nhảy xổm hay hít đất.

Sinh viên năm thứ nhất thì còn thêm nhiệm vụ giữ gìn vệ sinh chung, bởi vì không một ai khác, ngoài sĩ quan cán bộ và sinh viên, được vào nơi doanh trại, hay phòng của sinh viên. Thế cho nên trong thời gian Tân Khoá Sinh, chúng tôi phải học cách giữ gìn sạch sẽ doanh trại từ phòng riêng đến nơi công cộng, kể cả phòng tắm, bồn cầu … Phải tự làm tất cả trừ việc giặt quần áo, thì mỗi tuần 2 lần đem giao cho thợ giặt và mỗi tháng 2 lần xuống phòng hớt tóc.

Tám tuần của thời gian Tân Khoá Sinh thì hoàn toàn là huấn luyện về quân sự và thể chất, thế cho nên có những “hình phạt" được đặt ra, mới nghe qua thì có vẻ vô lý nhưng hiểu ra thì đó là phương pháp huấn luyện thể chất và kỷ luật của quân đội, để một người dân chính hiểu rằng với quân đội thì “thi hành trước, khiếu nại sau", “tuân lệnh tuyệt đối"“trách nhiệm với đồng đội, một người làm lỗi cả đội bị phạt." Bởi vậy, những người tỏ vẻ chống đối, bất mãn, thiếu tình đồng đội, nản chí muốn bỏ cuộc, yếu đuối tinh thần ... thì lại càng bị phạt nhiều hơn. Thế cho nên, trong tám tuần Tân Khoá Sinh này thì chuyện bị phạt đến ngất xỉu là chuyện thường xuyên xảy ra hằng ngày.

Nam Anh: Như ông vừa nói thì bị phạt đến ngất xỉu thường xuyên như thế thì có thể xem là quá đáng hay không?

Bùi Phạm Thành: Với quan điểm của người ngoài Võ Bị thì có thể nói là quá nặng nề, khó khăn cho những người vừa cởi áo thư sinh, bước vào đời lính. Thế nhưng có trải qua thì mới hiểu được. Mục đích chính là để cho Tân Khoá Sinh hiểu rõ ý nghĩa của sự “tuân lệnh tuyệt đối”“tình đồng đội, hoà hợp, giúp đỡ và gắn bó với nhau, cùng chia nhau những gian khổ và buồn vui."  Đây là căn bản của nghệ thuật chỉ huy, vì một người có ý cãi lệnh cấp trên thì mai kia làm sao có thể ra lệnh cho người cấp dưới được. Nhất là tình đồng đội, không bao giờ làm điều gì khiến đồng đội phải bị vạ lây. Luôn luôn giữ tinh thần trách nhiệm, bảo vệ đồng đội và binh lính cấp dưới. Vì không có đồng đội hay binh lính thì làm sao mà chiến đấu được.

Thời gian Tân Khoá Sinh này đã khiến anh em chúng tôi trở nên gắn bó với nhau với những kỷ niệm không thể quên được.

Nam Anh: Như vậy thì ông có thể kể cho Nam Anh và thính giả của đài biết về một vài kỷ niệm của ông trong thời gian Tân Khoá Sinh được không ạ?

Bùi Phạm Thành: Được chứ Nam Anh. Chúng tôi vẫn thường nói là chuyện Võ Bị và nhất là chuyện thời Tân Khoá Sinh là chuyện dài không bao giờ hết, và không bao giờ quên. Trường Võ Bị điều hành theo Hệ Thống Tự Chỉ Huy, có nghĩa là đàn anh huấn luyện và chỉ huy trực tiếp khóa đàn em, sĩ quan cán bộ chỉ kiểm soát và hướng dẫn mà thôi.

Để tôi kể cho Nam Anh và quý thính giả vài kinh nghiệm của tôi vào thời gian Tân Khoá Sinh này.

Trong cùng đại đội với tôi có một người bạn tên Sơn, nó không những nhỏ con hơn chúng tôi, mà còn có nước da trắng trẻo và gương mặt như một học sinh trung học khoảng 14, 15 tuổi gì đó, thế cho nên bị bạn bè gọi là “Sơn con”. Mỗi lần có đứa bị xỉu thì chúng tôi lại được lệnh khiêng qua một chỗ có bóng mát để nằm đó và đứng canh cho đến lúc nó tỉnh dậy. Thằng “Sơn con" này nó có cái biệt tài giả bộ xỉu qua mặt được tất cả khóa đàn anh. Tôi biết nó giả bộ vì có lần tôi và người bạn nữa phải khiêng nó vào chỗ mát thì thoáng thấy nó nhếch mép cười. Thằng kia giận quá nói: “Đồ tiểu xảo, mày làm hai đứa tao khiêng bá thở, muốn gãy sống lưng luôn. Biết vậy hồi nãy tao làm bộ tuột tay cho mày rớt xuống sình cho đáng đời ...". Thằng “Sơn con" hí mắt, nhe răng cười: “Mày phải cám ơn tao mới đúng. Nhờ tao mà hai thằng mày mới được ngồi trong mát, nghỉ khỏe… Thiệt tình thì hồi nãy tao muốn ói quá nên mới giả bộ xỉu ..." Thực ra khi đã trải qua thời gian Tân Khoá Sinh thì ai cũng biết rõ tất cả các trò được gọi là “tiểu xảo", thế nhưng thằng “Sơn con" có cái tài là khi nó giả bộ xỉu, nếu vạch mắt nó ra xem thì cũng thấy con mắt nó trợn ngược, tròng trắng nhiều hơn tròng đen, y hệt như bị xỉu thật.

Tôi cũng có lần bị xỉu, mà là xỉu thật, cho đến khi tỉnh dậy thì đã thấy người đang ngồi canh chừng tôi là thằng “Sơn con", nó lên tiếng:

- Tỉnh chưa? 

Chút xíu nữa là tôi bật cười:

- Tỉnh rồi, nằm đây cho khỏe cái đã  ...

Nó nhe răng:

- Dĩ nhiên, mày không cần nhắc tao điều này …

Rồi nó nhét vào túi tôi mấy viên kẹo đường và nói:

- Cho mày mấy viên kẹo ngậm cho đỡ thèm. Bên phòng tao còn nửa hộp sữa, chút tối tao đem qua cho… Quà của đàn anh Thiếu Sinh Quân tiếp tế cho tao đó.

Ngay lúc đó thì chưa có dịp ăn, nhưng tôi cũng thầm cám ơn mấy viên kẹo của nó, còn nửa hộp sữa mà nó hứa thì tôi không hy vọng, vì thời gian đó chuyện chạy từ phòng này qua phòng kia là chuyện mạo hiểm. Ngay cả ban đêm muốn đi vệ sinh cũng phải đứng giữa hành lang la lớn tên và danh số để xin phép. Thế nhưng đến lúc chập tối, tôi nghe có tiếng xưng danh ở ngoài hành lang:

- Tân Khoá Sinh Nguyễn Văn Sơn, danh số 156 xin phép vào phòng vệ sinh …

Và chỉ trong chớp mắt thằng “Sơn con" đã ở trong phòng tôi, trên tay cầm hộp sữa đặc hiệu Ông Thọ, nói tỉnh bơ:

- Làm lẹ lên thằng ông nội … tao vào phòng vệ sinh rồi trở lại ... đừng làm hết, chừa lại cho tao một chút …

Tôi hoảng vía, vì nếu mấy ông Niên Trưởng cán bộ mà biết thì bị phạt chắc là ngất ngư luôn. Tuy nhiên tôi cũng chụp hộp sữa. Tánh tôi thích đồ ngọt, và rất thích cà phê sữa, nhưng đó là lần đầu tiên trong đời uống sữa đặc kiểu “tu" thẳng từ hộp, không pha với nước hay cà phê. Tuy nhiên mấy ngụm sữa đặc tối hôm đó có lẽ là món sữa đặc ngon nhất mà tôi được thưởng thức, vì trong đó có chứa cả tình bạn đồng môn, đồng khóa, chia ngọt, xẻ bùi. Cũng xin nói thêm là trong thời gian Tân Khoá Sinh thì các khóa đàn anh luôn luôn nhường thức ăn cho Tân Khoá Sinh, vì biết rằng họ cần nhiều năng lượng (calories) hơn mình. Đó là những Truyền Thống đặc biệt của TVBQGVN khiến anh em chúng tôi trở nên gắn bó, chia xẻ, giúp đỡ và che chở nhau trong thời chiến cũng như thời bình. Nhất là trong hoàn cảnh bi đát của thời gian bị đày đọa trong các trại tù “cải tạo" của cộng sản sau ngày 30 tháng 4 năm 1975.

Nam Anh: Nghe ông kể thì hiển nhiên đó là những truyền thống đặc biệt của trường Võ Bị. Nhân đây ông có thể chia xẻ với thính giả của đài vài kỷ niệm khi ông trở thành đàn anh huấn luyện khóa đàn em được không ạ? 

Bùi Phạm Thành: Cám ơn câu hỏi của Nam Anh. Trong thời gian khoá chúng tôi huấn luyện khoá 28 thì tôi ở trong Ban Tham Mưu nên không trực tiếp phải chăm sóc và huấn luyện khóa đàn em. Thế nhưng người bạn cùng phòng với tôi là cán bộ Trung Đội Trưởng, trực tiếp chỉ huy và chăm sóc đàn em.

Có một buổi chiều, nó trở về phòng, mặt mũi bơ phờ hốc hác. Nó đưa cho tôi một gói bánh, một hộp sữa đặc và dặn: “Tao nhờ mày để ý giùm thằng nhỏ (tên gì đó thì tôi quên mất rồi), tao thấy hồi chiều nó không ăn được nhiều và có vẻ muốn bệnh. Tao cho nó về phòng sớm và đang ngủ. Sờ trán thì không có vẻ nóng sốt. Mày để ý nó giùm tao, chừng vài tiếng sau thì kêu nó dậy cho nó ăn mấy cái bánh và uống ly sữa. Nếu thấy nó lên cơn sốt thì đem xuống bệnh xá ..." 

Nói chưa dứt câu thì nó đã lăn quay ra ngáy khò khò, không thay quần áo, chân không những vẫn còn mang giày và một chân trên giường, một chân kia vẫn còn ở dưới đất. Tôi lại phải cởi giày và đắp chăn cho nó, rồi dặn mấy người bạn trực gác đêm, cứ mỗi đầu giờ thì đánh thức tôi dậy để chăm sóc cho thằng nhỏ đó. Khoảng hai ba giờ sáng, thằng bạn tôi giật mình thức giấc, thấy tôi có vẻ còn thức nên nó hỏi:

- Thằng nhỏ đó sao rồi?

Tôi ngái ngủ trả lời:

- Ăn no, uống say, ngủ rồi, không sao cả.

- Đói quá. Còn cái bánh nào không?

- Bánh hết rồi, còn nửa hộp sữa…

Tôi nhắc nó:

- Cái cùi trỏ trái của thằng nhỏ đó bị lở đỏ lòm, tao mới chùi rửa sơ cho nó, ngày mai mày đưa nó qua bệnh xá xem sao…

Nó lầm bầm:

- Được rồi ... mai tính ... Sáng mai mày dắt tụi nó chạy sáng được không?

- Không. Tao giúp mày “ca đêm” rồi. “Ca sáng" thì kiếm thằng khác đi.

Nó chặc lưỡi  “Giờ này có đứa nào thức đâu mà nhờ  ..." rồi lục đục nấu nước pha sữa, còn tôi thì ngủ thiếp đi lúc nào không biết nữa.

Nghĩ lại thì quả đúng như lời ông bà ta đã nói “Có nuôi con thì mới biết lòng cha mẹ," và với Võ Bị thì “Có huấn luyện khóa đàn em thì mới biết lòng Niên Trưởng." 

Nam Anh: Nghe ông kể chuyện thì Nam Anh cũng cảm động và hiểu được tại sao các cựu Sinh Viên Sĩ Quan Võ Bị lại gắn bó, đùm bọc nhau như anh em. Cũng may là thời gian Tân Khoá Sinh chỉ có 8 tuần, và rồi sau đó thì sao thưa ông?

Bùi Phạm Thành: Sau thời gian Tân Khoá Sinh thì là những nghi lễ như trao găng mũ, chinh phục đỉnh núi Lâm Viên và lễ gắn alpha để được chấp nhận là sinh viên sĩ quan năm thứ nhất của TVBQGVN. Tất cả các buổi lễ đều rất long trọng. Nhất là cuộc leo núi Lâm Viên và thả trái khói trên đỉnh núi để báo hiệu cho Đà Lạt biết là vừa có một khóa mới hoàn tất thời gian Tân Khoá Sinh để trở thành SVSQ. Rồi sau đó là những tháng năm dài miệt mài trong lớp học văn hóa và những buổi gác đêm. Mùa văn hóa kéo dài 8 tháng rưỡi từ tháng 3 cho đến tháng 12 và ba tháng rưỡi của mùa quân sự từ tháng 12 đến tháng 3. Mùa văn hóa ở trường Võ Bị rất nặng nề với chương trình của trường đại học kỹ thuật dân sự, cộng với thời gian trực gác của người lính nên nhiều khi sau phiên gác thì phải trùm poncho để học thi, chứ không dễ dàng như sinh viên dân chính.

Về chương trình huấn luyện của TVBQGVN thì phải đọc quyển Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam - Theo Dòng Lịch Sử mới có thể biết rõ, chứ ở đây không thể kể ra cho hết được, vì theo thời gian và nhu cầu của quân đội nên chương trình huấn luyện của trường cũng có ít nhiều thay đổi và khác biệt. Nhưng tựu trung thì luôn luôn gồm có những phần chính như Văn Hóa, Quân Sự, Thể Chất và Lãnh Đạo Chỉ Huy.

Sau 4 năm, chúng tôi tốt nghiệp với cấp bậc thiếu úy hiện dịch, Khóa 25 có 32 Hải Quân, 30 Không Quân và 168 Lục Quân, trong số này có 14 người được chọn về học khóa Cao Đẳng Công Binh sau khi đã hoàn tất phục vụ một năm ngoài đơn vị tác chiến. Ngoài ra còn có 30 người được chọn đi du học ở bậc cao học về các ngành chuyên môn tại Hoa Kỳ, thế nhưng vì tài khóa viện trợ quốc phòng năm 1973 bị cắt giảm, nên chỉ có một người được đi du học, số còn lại được phân phối về các binh chủng tác chiến.

Thời bấy giờ, Bộ Quốc Gia Giáo Dục chưa hoàn tất thủ tục chấp nhận văn bằng tốt nghiệp của TVBQGVN, vì vậy văn bằng tốt nghiệp của Khóa 25 được ghi là “Tương đương với văn bằng kỹ sư tốt nghiệp trường cao đẳng kỹ thuật dân chính." Một năm sau, từ khóa 26 trở đi, thì được ghi là “Văn bằng Cử Nhân Khoa Học Ứng Dụng".

Xem ra thì thời gian của chương trình không còn nhiều, thế cho nên chuyện phục vụ ngoài chiến trường xin để lại một dịp khác, hoặc nhường lại cho các Niên Trưởng có nhiều kinh nghiệm chiến trường hơn tôi. Bởi vì cá nhân tôi thuộc thành phần được chọn về học Trường Cao Đẳng Công Binh, nên chỉ có mặt trên chiến trường một năm mà thôi. Tuy thời gian chinh chiến ngắn ngủi, nhưng cũng có vài ba vết sẹo của bom đạn để làm kỷ niệm của một thời chinh chiến.

Có một vết thương tuy nhỏ, cho dù gần 50 năm đã trôi qua, nhưng mỗi khi trời lạnh thì lại cảm thấy đau nhức như một lời nhắc nhở “Tuy manh áo trận đã bạc màu, nhưng vết thương chiến tranh Quốc-cộng vẫn không bao giờ lành." 

Nam Anh: Vâng bây giờ thì Nam Anh mới hiểu rõ thêm tại sao các sĩ quan tốt nghiệp từ trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam được gọi là “Sĩ Quan Đa Hiệu", vì quý vị đã được huấn luyện chu đáo về đủ mọi phương diện. Đồng thời những chiến công ngoài chiến trường trong thời chiến đã đem lại cho Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam sự kính trọng của cả quân đội và dân chúng.

Bùi Phạm Thành: Cám ơn Nam Anh đã có những nhận xét tốt về chúng tôi và Trường Mẹ của chúng tôi là Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam. Tuy nhiên, ông bà ta có nói  “Cha mẹ sanh con, trời sanh tánh” cho nên dù con cùng một mẹ thì cũng có đứa ngoan, đứa hư, và Trường Mẹ của chúng tôi, TVBQGVN, cũng không phải ngoại lệ!

Ở hải ngoại, gần đây, có một số nhỏ CSVSQ, vì háo danh, vì tiền bạc, hay quyền lợi của đảng phái, đã làm những hành động hoen ố danh dự của Quân Đội cũng như Danh Dự của Trường Mẹ, TVBQGVN.

Thưa quý vị thính giả, và quý thân hữu của Đại Gia Đình Võ Bị,

Như chúng tôi đã có dịp trình bày trong lần nói chuyện trước đây, chúng tôi xin được nhắc lại hôm nay: Khi quý vị nhìn thấy một vài CSVSQ làm những hành động làm nhục quân đội, làm mất danh dự và uy tín của TVBQGVN, xin quý vị hiểu rằng những việc làm của họ cũng giống như những “con sâu làm rầu nồi canh!”. Họ chỉ là những đứa con hư đang lầm đường lạc lối, bôi nhọ Trường Mẹ Võ Bị.

Đại đa số anh em đồng môn đã nhiều lần kêu gọi và mở rộng vòng tay để đón họ trở về xum họp trong tình đồng môn đã một thời chia xẻ ngọt bùi nơi quân trường cũng như nơi chiến trận, thế nhưng, họ vẫn trả lời là “chưa sẵn sàng". Họ vẫn biết rằng họ chỉ là thiểu số và đang làm nhiều điều sai trái bị cộng đồng người Việt ở Hải Ngoại chê trách, và như thế đã làm hoen ố thanh danh của Trường Mẹ, thế nhưng vì quyền lợi, vì bả hư danh họ vẫn hành động như con ngựa bị mang hàm thiếc, bị che mắt, chỉ cúi đầu làm theo lệnh một cách mù quáng, đi về hướng của kẻ cầm roi, cầm cương. Ngay trong dịp tết Canh Tý vừa qua, nhị vị cựu Chỉ Huy Trưởng của TVBQGVN đã nhắc lại lời kêu gọi thống nhất Tổng Hội và Tổng Hội Trưởng của 27 khoá cũng lập lại lời mời bàn chuyện đoàn kết, thế nhưng “người giúp việc” của liên hội 5 khoá đó vẫn trả lời bằng một sự im lặng, cái im lặng lạnh lùng, sâu thẳm của đêm tối âm u giữa lòng biển vắng.

Nhân đây, tôi cũng xin kêu gọi toàn thể cựu SVSQ/TVBQGVN trên toàn thế giới hãy tỏ thái độ bằng một cuộc “bỏ phiếu bằng chân", là cùng về tham dự Đại Hội Võ Bị Toàn Cầu Kỳ Thứ 22 vào tháng 5 tới đây thật đông đủ. Hãy chứng tỏ cho đồng bào Việt Nam ở hải ngoại, cũng như quốc nội, rằng Đại Gia Đình Võ Bị vẫn là một khối, những CSVSQ/TVBQGVN vẫn còn đây và chưa quên Nhiệm Vụ bảo vệ Tổ Quốc và khôi phục Danh Dự của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, nói chung, và Danh Dự của CSVSQ cũng như của TVBQGVN, nói riêng.

Hãy tham dự Đại Hội 22 sẽ được tổ chức trong ba ngày 22, 23 và 24 tháng 5 năm 2020, tại thành phố Westminster, thuộc miền nam của tiểu bang California để cùng nhau “Hướng Về Trường Mẹ", hàn huyên, tâm sự về thời Tân Khoá Sinh và đoạn đường khói lửa thời chinh chiến. Đồng thời, chúng ta cũng góp phần xây dựng một Tổng Hội vững mạnh, đúng với nguyện vọng của tập thể CSVSQ chúng ta, và nguyên tắc sinh hoạt dân chủ mà hai vị Cựu Chỉ Huy Trưởng đã nhắn nhủ. Chỉ có sự lên tiếng của chúng ta mới có thể khôi phục lại tiếng thơm cho Trường Mẹ. Đây là lúc Trường Mẹ cần sự quan tâm của chúng ta hơn tất cả, đừng thờ ơ để cho cái thiểu số “con hư” kia tiếp tục làm ô danh Trường Mẹ, và ảnh hưởng đến danh dự của tập thể CSVSQ/TVBQGVN.

Nam Anh: Cám ơn những chia xẻ của ông Bùi Phạm Thành. Nam Anh cũng xin chúc Đại Hội 22 được thành công mỹ mãn với sự tham dự đông đảo của toàn thể các Cựu Sinh Viên Sĩ Quan của Trường Võ Bị Quốc Việt Nam trên toàn thế giới.

Bùi Phạm Thành: Cám ơn Nam Anh và quý thính giả của đài Việt Washington DC Radio đã lắng nghe chương trình nói chuyện của chúng tôi. Xin chào toàn thể quý vị và hẹn gặp lại trong chương trình sau.

----------- ||| ----------


Pages