Phỏng Vấn CSVSQ Nguyễn Tấn Hiệp, K25 - Tân Khoá Sinh - Bài Học Đầu Đời Võ bị - Đại Hội Võ Bị Toàn Cầu Kỳ Thứ 22

 

 

Tuesday, March 17, 2020

Phỏng Vấn CSVSQ Nguyễn Tấn Hiệp, K25 - Tân Khoá Sinh - Bài Học Đầu Đời Võ bị



TÂN KHOÁ SINH, BÀI HỌC ĐẦU ĐỜI VÕ BỊ

Nam Anh: 
Thưa với ông Nguyễn Tân Hiệp.qua nhiều lần tiếp chuyện với quí vị Cựu Sĩ Quan Đà Lạt, hầu như  kỷ niêm huấn luyện đầu nghiệp lính đều là những kỷ niệm vàng son của quí vị. Riêng với khoá 25, qua ông, ông có thể cho Nam Anh và quí thính giả của đài Hoa Thạnh Đốn Việt Washington DC Radio biết một cách khái quát về chương trình huấn luyện này được không ạ?


Nguyễn Tấn Hiệp: Thưa Nam Anh, đầu tiên cho phép tôi qua chương trình Áo Trận Bạc mầu, xin Nam Anh chuyển lời cảm ơn đến Đài phát thanh Hoa Thạnh Đốn Việt Washington DC Radio đã cho anh em chúng tôi có dịp cùng trình bầy chủ đề  “Hướng Về Trường Mẹ” của Đại hội Võ bị Toàn Cầu –Kỳ thứ 22 sẽ được tổ chức tại Nam California vào tháng 5 năm nay.

Vâng thưa Nam Anh và thưa quý vị,

Cũng trong chủ đề “Hướng Về Trường Mẹ”, hôm nay tôi mạn phép thay mặt cho tất cả các Niên Trưởng và các bạn, những người đã một thời khoác áo SVSQ/TVBQGVN, xin được  trình bày về thời gian mười tuần đầu tiên của người ứng viên khi mới bước chân vào trường Võ Bị, mười tuần đó được gọi là mười tuần Tân Khoá Sinh, đơn giản hơn, có người gọi đó là mười tuần “huấn nhục”. Trải qua bao thăng trầm thời cuộc, bao nhiêu tuổi đời chồng chất, nay nghiệm lại, tôi cảm thấy thời gian mười tuần này chính là Món Quà  Vô Giá mà Mẹ Võ Bị đã dành tặng cho những đứa con yêu đã biết xếp bút nghiên theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ Quốc, lên đường vào cuộc chiến bảo vệ quê hương.

Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam được thế giới Tự Do công nhận là trường huấn luyện sĩ quan bậc nhất Việt Nam Cộng Hoà, cũng là bậc nhất Đông Nam Á trong thời gian chiến tranh VN, vì không những trường đã có một chương trình đào tạo cán bộ chỉ huy tuyệt vời trên mọi chiến trường, trang bị cho sĩ quan tương lai những kiến thức quân sự và văn hóa hoàn hảo, mà còn có một chương trình huấn luyện rất độc đáo cho các ứng viên khi mới bước vào trường: Đó chính là chương trình huấn luyện Tân Khóa Sinh trong mười tuần đầu tiên.

Đó là mười tuần đầu tiên mà tất cả Cựu SVSQ không ai có thể quên. Mười tuần chan chứa những buồn vui, vinh quang cũng có mà nhọc nhằn cũng nhiều, có những yêu cầu rèn luyện thể chất rất cam go đối với những chàng học sinh sinh viên vừa rời khỏi ghế nhà trường; đã biến những thể xác mềm yếu thành những bắp thịt rắn chắc, kiên cường, hoàn toàn chịu đựng được trên mọi điều kiện chiến trường sau này; đã biến những tâm hồn yếm thế bạc nhược thành những khối óc minh mẫn hào hùng, biết xả thân vì lý tưởng bảo vệ quốc gia dân tộc, mạnh mẽ chống lại các tư tưởng hèn nhát, cơ hội để thực hiện trách nhiệm người trai trong thời chiến. Mười tuần ấy thật sự đã “lột xác” những chàng trai yếu đuối trở thành những sĩ quan chỉ huy gan dạ, can trường trong cuộc chiến chống giặc cộng xâm lăng. Cho nên nếu gọi đó là món quà vô giá của mẹ Võ Bị trao tặng những đứa con yêu của mẹ, thật quả không sai.


Nam Anh: Thưa ông Nguyễn Tân Hiệp, một vài lần qua tiếp xúc với quí ông Cựu Sĩ Quan Đà Lạt, Nam Anh nhận thấy quí vị hay đề cập tới cổng Nam Quan của Trường Võ Bị, rôi tự nhiên thấy quí vị cười sảng khoái. Ông có thể cho Nam Anh biết về Cổng Nam Quan có gì đặc biệt, và được nghe  giai thoại về Cổng Nam Quan được không ạ
.

Nguyễn Tấn Hiệp:
 Cảm ơn Nam Anh có câu hỏi về Cổng Nam Quan. Thưa Nam Anh, nói về chủ đề Tân Khoá Sinh Võ Bị, khi nhắc đến Cổng Nam Quan, người CSVSQ nhớ ngay đến giây phút kỷ niệm mà suốt cuộc đời binh nghiệp không thể nào quên, đó là giây phút người Ứng Viên Tân Khoá Sinh được hướng dẫn bước qua Cổng Nam Quan, để bắt đầu cho lễ “Hành Xác Nhập Trường”.

Lễ “Hành Xác Nhập Trường” không những chỉ là “thủ tục”, mà đã là “truyền thống” nhập trường của bất cứ Tân Khoá Sinh khoá nào, từ khoá 14 trở về sau.

Ngày nhập trường, Hệ thống SVSQ Cán Bộ sẽ thực hiện Nghi Thức Nhập Trường cho Tân Khóa Sinh. Đến giờ tiếp nhận Tân Khoá Sinh, hàng ngũ SVSQ Cán Bộ quân phục thẳng nếp gọn gàng, giày loáng bóng, chỉnh tề chào đón các ứng viên Tân Khoá Sinh trong tiếng nhạc quân hành hào hùng của ban quân nhạc nhà trường. Sau Nghi Thức Nhập Trường, tất cả Tân Khoá Sinh sẽ được hướng dẫn bước qua cổng Nam Quan. Giây phút bước qua cổng Nam Quan là giây phút lịch sử, vì sau giây phút ấy, người Tân Khoá Sinh phải trải qua vài giờ hành xác nhập trường, được mô tả là rất dữ dội và kinh hoàng.

Để quý vị phần nào hiểu rõ hơn, tôi xin phép trích một đoạn viết về “hành xác nhập trường” của Tân Khoá Sinh, trong quyển TVBQGVN/ Theo Dòng Lịch Sử, xuất bản năm 2017, như sau:

“Khi tất cả đã bước qua khỏi cổng, tiếng nhạc chấm dứt và họ được lệnh đàn anh bắt đầu chạy. Mọi người tay vẫn xách hành trang, chạy theo tiếng đếm của SVSQ Cán Bộ chạy trước.
Bất chợt, những người SVSQ Cán Bộ lịch duyệt, nhã nhặn đã trở thành những “hung thần”, với giọng nạt nộ:
-Chạy nhanh lên anh.
-Chạy thật nhanh theo tôi, anh!
Người ứng viên ngỡ ngàng, không có thì giờ thắc mắc, với bản năng tự nhiên, anh chỉ biết tuân lệnh, và mang hành trang chạy theo lệnh của người SVSQ Cán Bộ. Anh cố hết sức chạy nhanh hơn nhưng vẫn không theo kịp những SVSQ Cán Bộ. Anh đành phải vất hành trang sang bên đường, và cắm đầu chạy. Sức anh có hạn, anh đã gần kiệt sức nhưng vẫn không theo kịp những SVSQ đàn anh. Họ, bây giờ đông lắm, không biết từ đâu đã túa ra đầy sân cỏ. Họ la hét vang trời, bắt người này nhảy xổm, người kia hít đất, người nọ bò. Có người phải lăn ngược lên dốc đường nhựa, lăn xuống dốc cỏ vào đường mương sủng nước … Anh không biết mình đã hít đất bao nhiêu lần, “nhảy xổm” bao nhiêu cái, “đi vịt” bao nhiêu mét, và chạy bao nhiêu cây số … Anh thấy xây xẩm, trời đất quay cuồng, những khuôn mặt quát tháo của SVSQ Cán Bộ mờ dần, và anh đã ngất xỉu lúc nào không hay.
Khi tỉnh dậy, anh thấy từng toán 4, 5 người quần áo lôi thôi lếch thếch, mặt mũi lấm lem, đang khiêng hay lôi những người xỉu như anh gom lại một chỗ theo lệnh của SVSQ Cán Bộ. Tiếng hò hét của SVSQ Cán Bộ vẫn vang động sân cỏ và dội lại những toà nhà gạch ở hai bên. Toàn thể sân cỏ bây giờ như một bãi chiến trường sau mấy giờ quần thảo.” (Hết trích)


Nam Anh: 
Nam Anh nghe nói có tám tuần Lễ Huấn Nhục, bây giờ lại nghe ông nói có 10 tuần, như vậy những giai đoạn mà quí vị gọi là Tân Khoá Sinh có nhửng gì, có thêm gì không thưa ông Hiệp?

Nguyễn Tấn Hiệp: Thưa quý vị, các Niên Trưởng và các bạn CSVSQ,

Tôi trả lời câu hỏi này, phần lớn dựa vào ký ức, nhất là dựa vào thời gian được huấn luyện của Khoá 25, và khoá 28 được K25 huấn luyện. Do đó, nếu những điều này có gì không chính xác đối với các khoá khác, mong được quý vị lượng thứ.

Đầu tiên, có câu hỏi rằng, tại sao, nhiều người chỉ nói đến tám tuần Tân Khoá Sinh?
Xin thưa, thật ra tám tuần Tân Khoá Sinh chỉ là giai đoạn đầu. Thời gian Tân Khóa Sinh chính thức phải chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn một gồm có tám tuần sơ khởi. Giai đoạn hai gồm có hai tuần bổ túc. Tổng cộng là mười tuần.

Giai đoạn một bắt đầu ngay sau ngày hành xác nhập trường, người Tân Khóa Sinh vừa được học tập về tác phong quân kỷ vừa được huấn luyện các kiến thức quân sự cá nhân chiến đấu, chiến thuật cấp tiểu đội trung đội, tác xạ và vũ khí …. Song song với việc huấn luyện, người Tân Khoá Sinh phải liên tục thi hành các lệnh phạt của các SVSQ Cán Bộ và SVSQ Huấn Luyện Viên thuộc khoá đàn anh đặt ra, các lệnh phạt này thật ra chỉ nhằm mục đích rèn luyện thân thể ngày càng rắn chắc và mạnh mẽ hơn, đồng thời rèn luyện thói quen thi hành tuyệt đối mệnh lệnh của cấp trên.

Giai đoạn này là giai đoạn thử thách ý chí kiên cường can đảm và sức chịu đựng bền bỉ của Tân Khóa Sinh. Các Tân Khóa Sinh không chịu đựng nổi, hoặc do bị bệnh tật không thể tiếp tục, nhà trường có kế hoạch đưa trả về đời sống dân sự hoặc trả về các quân trường gốc khi tuyển sinh. Các Tân Khóa Sinh đủ điều kiện về thể chất và tinh thần, sau tám tuần của giai đoạn một, sẽ chuẩn bị tham dự cuộc thao dượt truyền thống chinh phục đỉnh núi Lâm Viên, buổi chiều tối là buổi lễ gắn Alpha thật trang trọng được tổ chức tại Vũ Đình Trường, để tân khoá sinh chính thức được công nhận là người SVSQ Năm Thứ Nhất của TVBQGVN.
Sau khi được gắn Alpha, người Tân SVSQ sẽ được tạm nghỉ trong ngày chủ nhật liền sau ngày lễ gắn Alpha, được cho phép dạo phố Đà Lạt với trang phục Blouson, đây là ngày dạo phố đầu tiên với một tư cách hoàn toàn mới, tư cách người SVSQ/TVBQGVN, với màu Alpha đỏ chói trên vai.

Vì mới qua tám tuần, cho nên cái alpha trên cầu vai là chỉ gắn tạm thời. Sáng sớm ngày thứ hai (sau ngày chủ nhật đầu tiên dạo phố), toàn bộ Tân SVSQ phải tập họp ở sân cỏ Trung Đoàn SVSQ, nhận thông báo còn sẽ tiếp tục thêm 2 tuần Tân Khoá Sinh giai đoạn 2, gọi là giai đoạn “bổ túc”, mà người trong cuộc như chúng tôi gọi là 2 tuần “trả nợ”. Giai đoạn 2 này cam go gấp bội, các hình phạt tại doanh trại cũng như ngoài bãi tập nghiêm khắc và dữ dội hơn nhiều, bởi lẽ Tân Khoá Sinh đã trưởng thành hơn so với những ngày đầu làm lính mới “tò te”. Giai đoạn hai tuần “trả nợ” rồi cũng qua nhanh. Người Tân Khoá Sinh sau khi hoàn thành 10 tuần “huấn nhục”, đã chính thức được đứng trong hàng ngũ SVSQ của TVBQGVN kể từ ngày khai giảng Mùa Văn Hoá năm thứ nhất.


Nam Anh: Qua các trang mạng và you tube, nhìn các Tân Khoá Sinh nằm la liệt trên sân cỏ, ngụp lặn trong các bãi bùn, chui qua các ông cống quá khũng khiếp, Nam Anh nghĩ rằng quí vị chắc không qua khõi con trăng của các tuần lễ huấn nhục. Ông có thể giải thích về nguyên nhân đã giúp các TKS có thể chịu đựng được, nhân tiện xin ông cho biết các hình thức và lý do Cán Bộ đã dùng để phạt TKS không ạ?


Nguyễn Tấn Hiệp: Cảm ơn Nam Anh. nếu cứ nhìn qua hình ảnh, ai cũng nghĩ là chúng tôi khó vượt qua giai đoạn này, nhưng thưa Nam Anh, vấn đề căn bản là trong các hình phạt của SVSQ Cán Bộ đàn anh luôn có sự bao dung và tình thương yêu, đối với đàn em mới bước vào trường. Khi thi hành các lệnh phạt, người Tân Khoá Sinh mơ hồ cũng cảm nhận có được sự đùm bọc che chở, cho nên dù có bị ngất xỉu bao nhiêu lần, khi tỉnh dậy, nếu còn sức vẫn hiên ngang tiếp tục thi hành các lệnh phạt.

Trong suốt mười tuần huấn nhục, hình thức của các “lệnh phạt” áp dụng cho Tân Khoá Sinh bao gồm các lệnh “hành xác” thường dùng trong các quân trường như “nhảy xổm” “hít đất” v.v…, nhưng tại trường Võ Bị, người SVSQ Cán Bộ được quyền “chế tạo” nhiều hình thức “hành xác” khác, mục đích muốn rèn luyện thân thể TKS ở mức độ cao hơn, khó khăn hơn như “đi vịt”, lăn, bò, chạy việt dã từ 5 đến 10 vòng sân trường, hay các hình thức chạy tấn công các ngọn đồi, hay tấn công các batiment doanh trại.

Còn về các lý do mà SVSQ Cán Bộ thường nêu ra để phạt TKS có khi rõ ràng, cũng có khi rất mơ hồ, thí dụ như sàn nhà lau chưa sạch, giày chưa bóng, giường xếp chưa vuông góc… nhưng đôi khi Cán Bộ thấy có một người ngủ trong hàng, hay đi chưa đều bước v.v…thì đã đủ cho Tân Khoá Sinh bị phạt cả đại đội. Tôi còn nhớ có lần sau giờ huấn luyện, cả đại đội Tân Khóa Sinh không ai bị Huấn Luyện Viên phạt vạ gì cả, nhưng Cán Bộ Đại Đội đưa chúng tôi về trại, trước hàng quân lại tuyên bố “các anh học hành bê bối bị huấn luyện viên than phiền với chúng tôi”, các hình phạt oan ức cũng đã được ban ra, các Tân Khoá Sinh chúng tôi chỉ còn biết thi hành.

Tôi xin ghi lại vài dòng về một kỷ niệm mà hầu hết Tân Khoá Sinh các khoá đều trải qua, Trong phạn xá (nhà ăn), SVSQ Cán Bộ cầm một trái ớt hỏi một TKS: “Trái gì đây anh?”, người TKS sau khi xưng danh, thật thà trả lời: “Thưa Đại Đội Trưởng, đó là trái ớt”. Thế là một hình phạt được ban ra: “Đây là trái chuối đó anh, đứng dậy làm 5 cái nhảy xổm đi anh”. Người TKS thi hành lệnh phạt và cũng không thể thắc mắc mình bị lỗi lầm gì. Sau đó thì người TKS bị buộc phải ăn “trái chuối Võ Bị” cay xé môi.

Một ví dụ khác, có một tuyên bố của Cán Bộ Trung Đội Trưởng dõng dạt trước hàng quân:

-Ngày hôm qua, khi giao quần áo giặt ủi, các anh, có người (hai tiếng “có người” hét thật lớn) đã nhân cơ hội tâm tình với thợ giặt (năm tiếng “tâm tình với thợ giặt” nhấn mạnh và hét thật lớn).

Một cán bộ khác phụ hoạ:

-Anh nào (hét lớn), anh nào tự giác bước ra khỏi hàng.

Vì sự thật không có, nên không TKS nào bước ra cả, thế là cả đại đội phải chịu thi hành lệnh phạt tập thể.

Từ đó, sau này, thành ngữ “Tâm Tình Thợ Giặt” được hầu hết các Cựu SVSQ dùng nói chuyện vui vẻ với nhau trong những khi trà dư tửu hậu.


Thưa Nam Anh, khi nói đến những người thanh niên xếp bút nghiêng gia nhập quân đội, bước chân vào Trường Võ Bị làm Tân Khoá Sinh, tôi chợt nhớ đến bản nhạc Vó Câu Muôn Dặm của nhạc sĩ Văn Phụng. Xin Nam Anh cho tôi nghe lại bản nhạc này, để nhớ lại thuở đầu đời, đáp lời sông núi. 


-Nam Anh :Cho nghe nhạc
-

Nguyễn Tân Hiệp.Xin cảm ơn Nam Anh và chúng tôi sẵn sàng cho câu hỏi kế tiếp
.

Nam Anh: Sau 10 tuần lễ đàn anh và đàn em quần thảo nhau, thì tình cảm giữa khoá đàn anh và đàn em như thế nào, thưa ông?


Nguyễn Tấn Hiệp: Thưa Nam Anh, Người SVSQ sau mùa Tân Khoá Sinh, ai cũng hiểu ra rằng, các hình phạt áp dụng trong thời Tân Khoá Sinh, chỉ là do SVSQ đàn anh muốn giúp cho đàn em trở nên mạnh mẽ và kiên cường hơn, trước mọi tình huống khó khăn, kể cả vô lý, để có thể thành công sau này trong đời binh nghiệp. Người TKS cực khổ thì người đàn anh cũng cực khổ nhiều lần hơn. Người TKS chạy 5 cây số thì người đàn anh cũng phải chạy 5 cây số trước người TKS, họ luôn phải thức dậy trước và đi ngủ sau TKS, đó là chưa kể họ thường xuyên nhường phần ăn, đắp chăn ấm cho người Tân Khoá Sinh khi ngủ, mà vì quá mệt mỏi, người TKS quên đi khí trời rất lạnh v.v...

Chính vì vậy, các Tân Khoá Sinh được huấn luyện không hề thù ghét đàn anh, mà trái lại còn thương yêu quý mến nhiều hơn sau khi đã trở thành SVSQ. Những tình cảm gắn bó đùm bọc giữa các khoá Võ Bị với nhau ngày càng được thấy rõ trên khắp các chiến trường, và tại hải ngoại sau ngày mất nước. Truyền thống tương thân tương ái giữa đàn anh đàn em Võ Bị đã được các tổ chức quân đội bạn luôn khen ngợi và kính trọng.

Ngoài ra, chính nhờ những kỷ niệm đồng cam cộng khổ trong mùa Tân Khoá Sinh, sau ngày ra trường, Cựu SVSQ trong cùng một khoá, rất đoàn kết thương yêu như anh em một nhà, xả thân giúp nhau tận tình nếu có thể, trên chiến trường. Tại hải ngoại, các CSVSQ đồng khoá luôn tìm cách đến gần, giúp đỡ nhau, tình thân gắn bó, không có một thứ tình bạn nào trên đời có thể sánh bằng. Hiện nay, dù tuổi về chiều, các bạn CSVSQ đồng khóa, khi gặp nhau thì rất mừng vui, huyên thuyên mày tao mi tớ, kỷ niệm buồn vui tân Khoá Sinh cũng như những năm tháng tại trường Võ Bị, kể hoài không hết. Có những cuộc họp Võ Bị hải ngoại, của Tổng Hội CSVSQ, của hội Võ Bị địa phương, nhưng được trân quý và vui vẻ nhất chính là các cuộc họp khoá.


Nam Anh: Thưa ông, Qua 10 tuần huấn luyện, ông co` thể chia sẻ cảm nghĩ của ông trong giai đoạn này dược không ạ?


Nguyễn tấn Hiệp: Khi bước vào thời gian Tân Khoá Sinh, mỗi người một hoàn cảnh, một tâm trạng khác nhau. Ở đây, tôi chỉ nói theo cá nhân mình hy vọng cũng giống với một số người.
Trong tuần lễ đầu tiên, thật sự tôi bị khủng hoảng tâm lý trầm trọng, một phần vì bị phạt suốt ngày, không đủ thời gian suy nghĩ, phán đoán. Phần khác là do sống buông thả, tự do ở thành phố đã quen, nhất thời còn luyến tiếc.

Nhưng dần dà, nếp sống gò bó, kỷ luật cũng quen dần. Có lúc tôi chợt nghĩ, cuộc sống Tân Khoá Sinh có vất vả thể xác, nhưng tinh thần thảnh thơi hơn bao giờ hết, các lệnh phạt có làm mình nhọc mệt nhưng tâm hồn không hề vướng bận, suy nghĩ hay lo âu điều gì. Ngày ra đi, tôi đã hứa hẹn với cha mẹ là sẽ học giỏi để trở thành một sĩ quan “Đa Hiệu” gương mẫu, con đường chỉ mới bắt đầu, tôi tự hứa với bản thân là không bao giờ bỏ cuộc.

Những giây phút ngắn ngủi được nghỉ ngơi sau những lần tập luyện, tôi đã có nhiều suy nghĩ hơn. Tôi đã ý thức được kỷ luật là cần thiết đối với một quân nhân, hiện tại tôi còn đang trong thời gian được huấn luyện, nếu cố gắng hoàn thành, tương lai binh nghiệp sẽ rộng mở. Càng lúc tôi càng cảm thấy các lệnh phạt chất chứa nhiều tình thương của đàn anh đang chịu cực khổ huấn luyện cho đàn em, cho nên thay vì thù hận tôi tự nhiên thấy cảm phục. Hơn nữa tôi cũng tự tin vào sức khoẻ trai trẻ của mình sẽ đủ sức vượt qua những thử thách.
Từ đó tôi quyết tâm cố gắng hoàn tất thời gian huấn nhục. Tôi cảm thấy rất sẵn sàng thi hành các lệnh phạt của Cán Bộ đàn anh. Đối với một hình phạt vô lý, đôi khi chúng tôi cũng thấy nó có chút buồn cười, thậm chí lại còn rất dễ mến. Các niềm vui nho nhỏ cũng nhen nhúm trong lòng khi thi hành các lệnh phạt, điều đó đã làm cho mình bớt đi phần nào nhọc mệt.


Để làm rõ hơn ý này, tôi xin mạn phép trích đọc một đoạn văn ít nhiều mang màu sắc hài hước, trong bài viết của CSVSQ Trần tuấn Ngọc, Khoá 28, có nhắc đến CSVSQ Cán Bộ Huỳnh Thương Khoá 25, trong thời gian huấn luyện Tân Khoá Sinh Khoá 28. Đoạn văn này đã nói lên, dẫu trong môi trường kỷ luật sắt, vẫn không thiếu những nụ cười:

…“Cũng đêm đầu tiên đó, ở khu hớt tóc, Đinh Hoàng Tiến E28, chàng dám xưng danh rồi nói hung thần Huỳnh Thương

– Tui không muốn làm sinh viên Võ Bị nữa. Xin thưa trả lại súng!

Thế là trời sầu đất thảm.

– Chỗ này đâu phải là cái thùng rác, cái khu chợ gia binh, ai muốn ra, muốn vô là được đâu. Muốn ra là phải thân tàn phế, mới ra được.

Gặp Huỳnh Thương, người hung thần số 1, thì còn gì nữa mà khóc với cười, thế cứ như là xử tử Đinh Hoàng Tiến làm gương, ai nấy từ đó vào lề, vào phép. Cái dốc nhựa lên khu hớt tóc, khu bệnh xá sao mà kinh hoàng thế không biết. Kể từ đêm đó, ai cũng hiểu ra là một người làm có thể gây ra vô số những tác động cho cả tập thể, tuỳ theo tốt hay xấu.

Sau tôi có gặp NT Huỳnh Thương tại Nha Trang. Tôi thấy ngoài khả năng gầm thét từ khi kèn đồng thổi lên dậy chạy sáng đến trời tối, ổng còn biết …khè khè, hì hì và biết kể chuyện nữa!
Thực ra, liên đội EF, khoá 28 còn thấy ông cười trước đó một lần.

Cái lần mà Tân Khoá Sinh Nguyễn Thế Lương đang chạy trong hàng, xưng danh to sang sảng và xin được đi cầu.

– Giờ này mà đi cầu gì anh. Tự thắng nghe không!

– Xin nói tự thắng

Một vài phút sau, về đến doanh trại. Huỳnh Thương gọi Nguyễn Thế Lương ra khỏi hàng và cho phép lên lầu làm vệ sinh thì Nguyễn Thế Lương cũng vẫn thái độ hùng dũng, ưỡn ngực, xưng danh như thường lệ và nói:

– Thưa khỏi cần !

Huỳnh Thương ghé sát mặt vào, gần như nhảy xổ luôn vào người Nguyễn Thế Lương mà quát:

– Khỏi cần cái gì anh? anh nói khỏi cần cái gì?

– Xin nói khỏi cần, vì nó ra rồi.

Đó là lần đầu tiên trong cuộc đời chúng tôi thấy Huỳnh Thương nhảy dạt ra, tít cả hai mắt quay sang chỗ khác mím chi cười. Một kỷ niệm tuyệt vời mà cả liên đội EF không bao giờ quên.” (hết trích)

Bài học đầu đời Tân Khoá Sinh luôn là ký ức thật đẹp mà người CSVSQ sẽ mang theo suốt cả cuộc đời mình. Trong những ngày tuổi đã chiều tà bóng xế, khi nhớ về Đà Lạt, nhớ về Trường Mẹ, những giấc mơ và các hình ảnh đẹp đẽ hào hùng của một thời SVSQ và nhất là những kỷ niệm đẹp của những ngày vất vả Tân Khoá Sinh, đó chính là hình ảnh, là niềm vui an ủi tuổi già.

Nam Anh: Xin cảm ơn ông đã chia sẻ với Đài Viet Washington DC Radio những kỷ niệm đầu đời nghiệp lính. Nam Anh xin chúc cho các anh Cựu SVSQ Đà Lạt thật nhiều sức khoẻ, và Đại Hội Võ Bị Toàn Cầu kỳ thứ 22 vào tháng 5 năm nay được thành công mỹ mãn.

Nguyễn tấn Hiệp: Xin cảm ơn Nam Anh. Với hoài niệm thiêng liêng về bài học đầu đời Võ Bị, tôi xin chấm dứt bài nói chuyện nơi đây. Xin hẹn quý thính giả, các Niên Trưởng và các bạn Cựu SVSQ/TVBQGVN trong các chương trình sau của Đài Viet Whasing ton DC Radio.

Xin kính chào quý vị.

Xin kính chào các Niên Trưởng và các bạn.



Pages