Nam Anh: Mở đầu… Xin mời quý vị theo dõi chương trình Áo Trận Bạc Mầu, do Nam Anh và ông Trần Quang Duật cùng phụ trách. Trong chương trình ATBM-Kỳ thứ 117, Nam Anh hân hạnh được tiếp chuyện hai Cựu SVSQTVBQGVN đảm nhận thiết kế Đài Tử Sĩ cho nghi lễ Truy Điệu và Cổng Chào Nam Quan cho nghi lễ Khai Mạc Đại Hội Võ Bị Toàn Cầu Kỳ Thứ 22 tại Nam California vào tháng 05 năm 2020, vị thứ nhất là Cựu Sinh Viên Sĩ Quan Phạm Huy Mậu Khoá 25, và vị thứ hai là cựu Sinh Viên Sĩ quan Trần Quang Thành khoá 27.
Đầu tiên, Nam Anh xin phép được giới thiệu đến anh Phạm Huy Mậu, Đại Đội Trưởng – Sư Đoàn 1 Bộ binh. Một chiến công mà vị Đại Đội Trưởng đã làm rạng danh TVBQGVN nói riêng, cho quân sử Quân lực Việt Nam Công Hoà là trận đánh chiếm Đồi Đá Bạc năm 1974. Công quân chiếm giữ ngọn đồi này với mục đích khống chế Quốc lộ I và mong kiểm soát phi trưởng Phú Bài. Nhận lệnh từ Trung Đoàn Trưởng Niên Trưởng Võ Toàn K17, Đại đội trưởng Phạm Huy Mậu đã điều động đại đội tấn công một cách bất ngờ và vũ bão, đánh bung quân phòng ngự của việt cộng trên đồi. Sau khi tiến chiếm mục tiêu, Trung uý Phạm huy Mậu được đặc cách lên đai úy tại mặt trận. Khi có lệnh rời bỏ chiến trường Quân khu và Vùng I Chiến Thuật, đại uý Mậu được tăng phái về Tiểu đoàn 16 TQLC. Sau ngày 30/4/1975 anh Mậu đã phải chịu bản án không xét xử 6 năm của cộng quân.
Thưa quí vị, cũng trong chương trình Áo Trận Bạc Mầu –kỳ thứ 117 này, Nam Anh hân hạnh phỏng vấn cựu Sinh Viên Sĩ Quan Trần Quang Thành. Khoá 27 Trường Võ bị Quốc Gia Việt nam, anh Trần Quang Thành, Đại Đội Phó kiêm Trung Đội Trưởng Đại Đội 399 Tiểu đoàn 99, Liên đoàn 9 Biệt dộng Quân, Hậu cứ của Tiểu đoàn đóng tại Long Thành, và trận chiến cuối cùng của đơn vị này xảy ra tại Củ Chi. Sau khi phòng tuyến bị chọc thủng anh Thành bị bắt làm tù binh cho tới cuối năm 1978. Tháng 5 Năm 1981 anh vượt biển và định cư tại Hoa Kỳ vào đầu năm 1982. Năm 1987, anh tốt nghiệp kỹ sư điện của University of Washington, tại Seattle. Sau đó anh làm việc cho các hãng Digital, Compaq, và HP cho tới khi nghỉ hưu.
Nam Anh trân trọng giới thiệu và mời anh Mậu và anh Thành gởi lời chào đến quý thính giả và có đôi lời giới thiệu về mình để quý thính giả biết thêm về người mình đang lắng nghe. Xin mời anh Mậu.
Phạm Huy Mậu: Tôi, cựu SVSQ Phạm Huy Mậu Khóa 25/Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam xin chào Nam Anh và toàn thể quý thính giả đang theo dõi chương trình Áo Trận Bạc Màu của đài Việt Washington DC Radio. Tôi cũng xin chào quý cựu SVSQ/TVBQGVN ở khắp nơi trên thế giới. Xin cảm ơn Nam Anh và quý đài đã cho tôi cơ hội đóng góp ý kiến về Đại Hội Võ Bị Toàn Cầu vào tháng 05 năm 2020 ở nam Cali.
Tôi thụ huấn Khóa 25 từ năm 1968 đến năm 1972. Bốn năm quân trường vừa trau dồi văn hóa, vừa thao trường đổ mồ hôi tôi sẵn sàng nối gót các đàn anh đi trước, lên đường phục vụ Tổ Quốc và bảo vệ đồng bào. Tôi chọn về phục vụ Sư Đoàn 1 trấn thủ vùng địa đầu giới tuyến. Suốt thời gian này đầu tôi luôn nặng chĩu với nón sắt và đôi giầy không lúc nào sạch bùn. Cuối năm 1974 tôi được đặc cách lên đại úy trong trận tiến chiếm Núi Đá Bạc ở Huế.
Khoảng giữa tháng 3, theo lệnh của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, đơn vị của tôi rút lui lui khỏi Vùng 1. Sau đó tôi được thuyên chuyển về phục vụ Tiểu Đoàn 16 tân lập thuộc Sư Đoàn Thủy Quân Lục Chiến cho tới ngày 30 tháng 4. Theo vận nước, tôi lang thang trong các trại tù ở miền bắc VN mãi tới cuối năm 1981.
Cũng nhờ những năm tháng trui rèn trong Trường Võ Bị não của tôi còn nguyên si, không bị tẩy rửa tí nào cả. Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ luôn rực sáng trong trái tim tôi. Nhờ chương trinh HO, tôi và gia đình được định cư tại Hoa Kỳ cuối năm 1993. Những năm đầu ở đất khách quê người thật nhiều bỡ ngỡ, nhưng nhờ sự giúp đỡ của các gia đình Võ Bị, thân hữu và nhất là sự chăm sóc và khuyến khích của Nhà Tôi, tôi bắt đầu cuộc đời mới bằng những gì tôi có trong tay. Vừa học vừa làm vừa giúp nhà tôi chăm lo cho cháu gái đầu lòng. Trong thời gian đầu đi học điều khó nhất của tôi là ngoại ngữ. Tôi phải hết sức cố gắng trong viêc nghe, nói, đọc và viết hầu theo kịp những bài giảng và hoàn tất các bài tâp của các môn học. Cuối cùng mọi việc cũng qua và ba năm sau tôi tốt nghiệp về ngành điện lạnh. Và may mắn kiếm được việc về ngành này cho một học khu thuộc county Los Angeles đến nay.
Những thành quả mà tôi vừa trình bầy là do những kiến thức và tinh thần cầu tiến mà Trường Mẹ đã trang bị cho tôi và những giúp đỡ của đại gia đình Võ Bị, Xin một lần nữa cảm ơn Trường Mẹ và đai gia đình Võ Bị.
Nam Anh: xin cảm ơn anh Mậu, sau đây mời anh Thành Khóa 27.
Trần Quang Thành: Tôi, cựu SVSQ Trần Quang Thành Khóa 27/Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam xin chào Nam Anh và toàn thể quý thính giả đang theo dõi chương trình Áo Trận Bạc Màu của đài Việt Washington DC Radio. Tôi cũng xin gửi lời chào đến quý gia đình cựu SVSQ/TVBQGVN ở khắp nơi trên thế giới và thân mời quý Niên Trưởng, quý chị quí bạn và các cháu hậu duệ Võ Bị tham dự thật đông đảo Đại Hội Võ Bị Toàn Cầu Thứ 22 vì Đại Hội kỳ này được đóng góp công sức của các đình Võ Bị từ khắp bốn phương trời. Xin chân thành cảm ơn Nam Anh và quý đài đã cho tôi cơ hội tuyệt vời để bàn bạc về Đại Hội Võ Bị Toàn Cầu Thứ 22 vào tháng 05 năm 2020 ở nam California.
Thưa Nam Anh và quý thính giả đang theo dõi chương trình Áo Trận Bạc Màu. Khóa 27 khai giảng ngày 27 thánh 12 năm 1970 và mãn khóa ngày 27 tháng 12 năm 1974.
Trong Mùa Tân Khóa Sinh hay còn gọi tám tuần thử thách, các niên trưởng Khóa 24 rất vất vả và quần quật với Tân Khóa Sinh từ 5 giờ sáng mãi tới tận 10 giờ tối với nhiệm vụ là thay đổi những chàng thư sinh trói gà không chặt dở dở ương ương, để sau tám tuần ngắn ngủi huấn luyện sẽ trở thành một tân sinh viên sĩ quan của Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam. Từ ngày đầu, chúng tôi được huấn luyện để trở thành một cán bộ chỉ huy phải hiểu được những gian khổ và khó khăn của thuộc cấp. Chúng tôi học nói, học đi, học ngồi, học đứng, hoc ăn, học làm những việc tầm thường như lau chùi quét dọn nơi mình ở và quan trọng nhất là học nếp sống của một Sinh Viên Sĩ Quan với một tinh thần kỷ luật tự giác. Kỷ Luật Tự Giác có nghĩa là mình chính là cấp chỉ huy của mình, tuân theo và thi hành các mệnh lệnh của cấp trên mà không cần cấp trên phải theo giõi. Những thói quen biếng nhác và nét yếu đuối thư sinh dần dần được thay thế bằng nét hào hùng khỏe mạnh của một người chiến binh chỉ biết tiến mà không biết lùi. Nam Anh biết không, sau tám tuần thử thách, tôi lên gần 10 Kilo. Mấy bộ quần áo dân chính trước khi nhập trường tôi mặc chật cứng, nhất là áo không có nút nào cài được cả Nam Anh ơi. Tôi vứt luôn vì từ nay tôi sẽ mặc những bộ quân phuc nhất là quân phục dạo phố của Trường đẹpvà oai hơn nhiều, vả lại chúng cũng tan tác trong ngày Nhập Trường và lần đi Phố Đêm mất rồi.
Suốt thời gian tân khóa sinh tôi học được một thứ muốn kể cho Nam Anh nghe là tôi học được thói ở bẩn. Trước khi vào Phạn Xá, tân khóa sinh phải thi hành lệnh phạt cả nửa tiếng, mình mẩy tay chân đầy bụi đất và ướt đẫm mồ hôi rồi mới được vào Phạn Xá, cứ thế mà ăn chẳng có rửa mặt rửa tay gì cả. Sau một ngày quần quật nơi thao trường, tân khóa sinh lên giường ngủ luôn miễn đánh răng tắm rửa mà vẫn ngủ như chết. Lúc Khóa 24 sắp ra trường tôi có hỏi sao hồi đó các NT không cho tụi tôi tắm. NT Khóa 24 trả lời "Cho mấy anh tắm rồi ngày mai cũng dơ lại tắm làm gì. Tập cho quen mai mốt ra trận, nước uống không có lấy nước đâu mà tắm, rõ chưa anh!!!!"
Trong thời gian thụ huấn, vào năm 1972, Khóa 27 có ra Vùng I sát cánh với đồng bào trong việc thi hành Hiệp Định Paris. Vì không đủ thời gian, nên sau khi tốt nghiệp cả Khóa 27 Lục Quân tạm thời bị lột lon trở thành khóa sinh Rừng Núi Sình Lầy và Viễn Thám. Sau đó tôi thuyên chuyển về binh chủng Biệt Động Quân theo nguyện vọng của mình cho tới ngày 28 tháng 4 năm 1975. Sau khi chiến đấu ở khu vực Củ Chi một đêm một ngày tuyến phòng thủ bị chọc thủng tôi bị bắt làm tù binh, và bị đầy đọa trong trại tù tới cuối năm 1978. Lúc cầm tờ giấy tạm tha ra khỏi trại tù tôi cứ tưởng mình nằm mơ vì nghĩ từ nay mình được tự do. Về tới nhà, tôi mới vỡ lẽ, tôi từ nhà tù nhỏ ra nhà tù lớn thôi, vì tôi không được rời nơi tôi cư trú, bị công an quản chế và bị bắt tù lại bất cứ lúc nào. Tạm tha có nghĩa chưa được tha phải không thưa Nam Anh. Ngày mai của tôi mờ mịt lắm tựa như người mắc bịnh cùi, thân thể cứ rụng dần theo thời gian. Một ngày qua đi tương lai của tôi mất đi một ngày và người mẹ dấu yêu của tôi lại thêm một ngày lặn lội để nuôi một đàn con và tiếp tế cho chồng và vài đứa con nữa trong trại tù tít tận ngoài biên cương. Trong lòng tôi lúc nào cũng muốn giúp mẹ tôi nhưng tôi không thể kiếm được việc gì để làm, phụ hồ mà cũng phải khai lý lịch nữa. Mẹ tôi bảo tôi phải rời khỏi nơi này nếu tôi muốn ngửa mặt với đời. May thay tôi được định cư tại Mỹ vào cuối năm 1981 qua chương trình boat people. Trên con đường tị nạn, bất cứ nơi nào tôi đến tôi đều được Đại Gia Đình Võ Bị giúp đỡ về mọi mặt vì chúng tôi luôn đùm bọc nhau, có niềm tin ở nơi nhau và luôn mong cho nhau được thành công trong cuộc sống. Thưa Nam Anh và quí thính giả của chương trình Áo Trận Bạc Mầu với chúng tôi “Một ngày Võ Bị, một đời Võ Bị”.
Nam Anh: Xin cảm ơn anh Mậu Khóa 25 và anh Thành Khóa 27. Sau đây xin hai anh vui lòng cho thính giả của chương trình Áo Trận Bạc Mầu biết về những đóng góp cùa hai anh cho Đại Hội Võ bị Toàn Cầu Kỳ Thứ 22.
Phạm Huy Mậu: Để biết được những đóng góp của chúng tôi cho Đại Hội Võ Bị Toàn Cầu Kỳ Thứ 22 tôi xin ít phút để giới thiệu sự liên hệ của Đài Tử Sĩ với Nghi Lễ Truy Điệu. Và Cổng Nam Quan với Nghi Lễ Tốt Nghiệp được tổ chức hàng năm tại TBVQGVN.
Thưa Nam Anh và quí thính giả của chương trình Áo Trận Bạc Màu, Nghi Lễ Truy Điệu Thuyền Thống của TBVQGVN rất linh thiêng, trang trọng, và cảm động. Nghi Lễ được cử hành vào buổi tối, trước ngày lễ mãn khóa tại Vũ ĐìnhTrường Lê Lợi, với sự chủ tọa của Vị Thủ Tướng Chính Phủ và vị Chỉ Huy Trưởng TVBQGVN. Quan Khách và Trung Đoàn Sinh Viên Sĩ Quan với quân phục Đại Lễ Mùa Đông cùng hướng về Đài Tử Sĩ dưới ánh đuốc bập bùng để tưởng niệm các anh linh của những vị anh hùng liệt sĩ, đặc biệt là các sĩ quan xuất thân từ Trường Mẹ đã hy sinh vì quân vụ. Các tân sĩ quan ngày mai sẽ lên đường nối gót tiền nhân, đêm nay xin chiêu hồn các bậc Đàn Anh Đi Trước hãy về chứng giám lời thề của họ là làm cho "Non Nước Việt Vẫn Thắm Tươi Cùng Thảo Mộc, và Giòng Lạc Hồng Còn Tồn Tại Mãi Với Thời Gian," cho dù có phải chôn vùi thân xác nơi mô đất lạ. Đài Tử Sĩ được xây dựng đối diện với khán đài của Vũ Đình Trường với thiết kế hình cánh cung, tượng trưng cho vòng tay thân ái cùa người mẹ Võ Bị, đang giang rộng để ấp ủ các hồn tử sĩ đã bỏ mình vì Tổ Quốc. Đài Từ Sĩ được phủ một màu trắng duy nhất nói lên sự đơn thuần và tinh khiết của các hồn Tử Sĩ khi còn sống đã phục vụ Tổ Quốc với tâm niệm "Không Sờn Nguy Khổ Không Màng Hiển Vinh."
Lễ Mãn Khóa vào sáng ngày hôm sau, tất cả quan khách sẽ đi qua cổng Nam Quan để đến Vũ Đình Trường. Sau các nghi lễ trang trọng, vị Chỉ Huy Trưởng Trường VB sẽ trình diện lên vị nguyên thủ quốc gia các Sinh Viên Sĩ Quan đã hội đủ các tiêu chuẩn của Trường, để nhận cấp bậc thiếu úy và tuyên thệ trung thành với Tổ Quốc. Tiếp theo sĩ quan thủ khoa nhận cung kiếm từ vị Nguyên Thủ Quốc Gia và Chỉ Huy Trưởng. Sau khi nhận cung kiếm, vị sĩ quan thủ khoa sẽ bắn tên đi bốn phương trời tượng trưng cho chí tang bồng hồ thỉ. Nối tiếp là diễn hành của trung đoàn SVSQ bắt đầu khối tân sĩ quan. Sau Lễ Mãn Khóa các tân sĩ quan sẽ hăm hở lên đường khắp nẻo quê hương để thực hiện lý tưởng Quốc Gia như ước vọng.
Để nhớ lại những kỹ niệm xưa và thực hiện những nghi lễ trang trọng và linh thiêng trong Ngày Đại Hội Võ Bị Toàn Cầu, Ban Tổ Chức cố gắng tạo dựng lại Đài Tử Sĩ và Cổng Nam Quan như hình ảnh của ngôi trường năm xưa.
Sau đây tôi xin nhường lời cho anh Thành Khóa 27 nói về công việc thiết kế Đài Tử Sĩ và Cổng Nam Quan.
Trần Quang Thành: Theo như lời Niên Trưởng Mậu vùa trình bày, Ban Tổ Chức sẽ thực hiện Đài Tử Sĩ cho Đêm Truy Điệu Truyền Thống và Cổng Nam Quan cho Ngày Khai Mạc Đại Hội. Được Ban Tổ Chức Đại Hội giao cho trọng trách tôi cũng lo dữ lắm, nhưng nhờ sự giúp đỡ và yểm trợ của NT Hoàng Đình Khuê Khóa 16 là Trưởng Ban Tổ Chức, NT Trần Vệ Khóa 19, NT Chế Văn Thức Khóa 19, NT Nguyễn Văn Lình K21 trưởng Ban Trang Trí, NT Huỳnh Cộng Kỉnh K25, anh Nguyễn Thành Tâm Khóa 28 và anh Nguyễn Xuân Quý K31, tôi và NT Mậu tiến hành công việc rất tốt đẹp mặc dù cả hai người không có tay nghề về thiết kế và xây cất, chỉ là nghề tay trái thôi. Ngoài ra NT Mậu và tôi sẽ thiết kế hai cái bục để yểm trợ cho ban Văn Nghệ trong buổi dạ tiệc. Sân khấu thì nhỏ, ban hợp ca lại đông nên không đủ chỗ. Nhà hàng đồng ý cho nới rộng sân khấu với điều kiên là không được đụng tới hay làm hư hỏng nhà hàng. Chuyện nhỏ như sân khấu Nam Anh ơi!!!
Thưa Nam Anh và quý thính giả của chương trình Áo Trận Bạc Màu, Đài Tử Sĩ hình cong còn Cổng Nam Quan hình thẳng. Kích thước của hai kiến trúc phải đủ lớn để hợp với khung cảnh của buổi lễ. Vấn đề nan giải là làm một cấu trúc nhưng dùng được trong cả hai buổi lễ. Để giải quyết vấn đề, tôi thắp nến cầu xin các NT có linh thiêng hãy chỉ lối đưa đường. Đêm hôm đó trong lúc mơ màng tôi nghĩ ra được cách. Các Niên Trưởng linh thiêng quá luôn lo lắng giúp đỡ đàn em hoàn thành sứ mạng. Nan giải thứ hai là tôi phải đi giải phẫu hai đầu gối vào giữa tháng một năm 2020, tôi sợ sau khi giải phẫu tôi khó hoặc không thể hoàn tất vì lý do sức khỏe nên NT Mậu có bàn với tôi tụi mình ráng làm xong trước khi đi mổ. Sau 4 thứ bẩy từ sáng cho tới tối và nhiều buổi chiều sau khi tan việc chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ với sự yểm trợ đắc lực của hai bà xã. Nếu thiếu sự ủng hộ và chăm lo của hai nội tướng, hai anh em chúng tôi không kham nổi vì đói. Xin cảm ơn chị Ngọc và em Thúy nhiều lắm. Vào ngày 12 tháng 1 năm 2020, Ban Tổ Chức đã duyệt xét và rất hài lòng về thiết kế của Đài Tử Sĩ và Cổng Nam Quan như đã dự trù.
Đài Tử Sĩ sẽ được dựng trong khuôn viên Tượng Đài Chiến Sĩ Thành Phố Westminster, ngay phía sau Lư Đồng, và trước tượng chiến sĩ Việt Mỹ với chiều dài 28 ft và chiều cao 8 ft kể cả bục. Thời gian dựng Đài Tử Sĩ khoảng nửa giờ, tháo gỡ khoảng nửa giờ để di chuyển đến địa điểm khai mạc Đại Hội vào ngày hôm sau cho Cổng Nam Quan. Tôi hi vọng hôm ấy trời sẽ trong xanh để chúng ta long trong khai mạc Ngày Đại Hội Võ Bị Toàn Cầu Kỳ 22 với sự tham dự đông đảo của gia đình Võ Bị đến từ khắp nơi trên thế giới.
Nam Anh: Xin cảm ơn quý anh. Nam Anh nghe chị Bích Ngọc là phu nhân của anh Phạm Huy Mậu khóa 25 có tài xuất khẩu thành thơ. Xin chị Bích Ngọc sáng tác vài vần thơ gửi tặng quý thính giả của chương trình Áo Trận Bạc Màu nhé. Cảm ơn chị Bích Ngọc.
Bích Ngọc: Xin cảm ơn Nam Anh, Bich Ngọc xin đóng góp vài vần thơ tặng Đai Hội Võ Bị Toàn Cầu Kỳ 22.
Đại Hội Võ Bị Toàn Cầu Thứ Hai Mươi Hai
Các anh quây quần cùng nhau HƯỚNG VỀ TRƯỜNG MẸ
Niên Trưởng Niên Đệ sao thân thương quá
Little Saigon, Saigon thứ hai
Tay trong tay đồng ca Võ Bị Hành Khúc
Đem niềm vui đến khắp muôn người
Ôn chuyện xưa Ôi! Trường Mẹ đầy kỷ niệm
Tình tự Võ Bị thắm thiết theo thời gian.