Phỏng vấn CSVSQ Vũ Công Dân, K23 - Áo Trận Bạc Màu Kỳ Thứ 115 - Đại Hội Võ Bị Toàn Cầu Kỳ Thứ 22

 

 

Tuesday, February 18, 2020

Phỏng vấn CSVSQ Vũ Công Dân, K23 - Áo Trận Bạc Màu Kỳ Thứ 115




Nam Anh:
Thưa quý vị, hôm nay, trong chương trình Áo Trận Bạc Mầu (ATBM) kỳ thứ 115, Nam Anh hân hạnh được tái ngộ, một lần nữa được tiếp chuyện với Ông Vũ Công Dân là Cựu Sinh Viên Sĩ Quan (CSVSQ) khóa 23 của Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam.

Trong lần phỏng vấn trước, ATBM kỳ thứ 110, Nam Anh và quý thính giả đã được nghe ông Vũ Công Dân trình bầy khái quát về sự phân hóa, xào xáo đang xảy ra trong Tổng Hội Võ Bị và được nghe ông trình bầy những ưu điểm của  Đại Hội Võ Bị Toàn Cầu kỳ thứ 22, sẽ được tổ chức trong 3 ngày, 22, 23 và 24 tháng 5 năm 2020 tại thành phố Westminster ở miền Nam Tiểu Bang California.

Trong ATBM kỳ thứ 115 này, Nam Anh dự định phỏng vấn ông Vũ Công Dân để được ông giới thiệu:  Một vài Nghi Lễ Truyền Thống của Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam. Để quý thính giả của Việt Washington DC Radio được biết thêm về quân trường Võ Bị này, một quân trường lừng danh trong vùng Đông Nam Á, đã đào tạo những sĩ quan đảm lược, can trường, văn võ song toàn cho Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa trước năm 1975.

Nam Anh thân ái, chào tái ngộ ông Vũ Công Dân.

Vũ Công Dân:
Xin chào tái ngộ Nam Anh và kính chào quý thính giả của Việt Washington DC Radio.

Thưa Nam Anh. Mới mở màn, mới chào hỏi quý thính giả, chưa vào cuộc phỏng vấn mà Nam Anh đã cho tôi đủ mùi hỉ nộ ái ố vì lời giới thiệu Quân Trường Võ Bị quá nổi: Quân trường Võ Bị, một quân trường lừng danh trong vùng Đông Nam Á, đã đào tạo những sĩ quan đảm lược, can trường, văn võ song toàn …..  Được ca ngợi, được khen, thánh nhân cũng sướng, huống gì là tôi, người phàm tục. Nhưng, ngay sau đó, tôi cảm nhận có điều gì ấm ức trong lòng, tôi oán trách những ai, đã vô tình hay cố ý, quệt một vết dơ lên thanh danh Võ Bị. Không, nhất định không, trong số những sĩ quan đảm lược, can trường, văn võ song toàn, không thể có tên hai ông, Nguyễn Văn Thiệt khóa 18, và  Nguyễn Hàm khóa 25, một ông là Tổng Hội Trưởng, một ông là Trưởng Ban Tổ Chức Đại Hội của Tổng Hội năm khóa. Cách đây vài tuần, hai ông này lại một lần nữa, xuất hiện trên đài truyền hình vùng Little Saigon, trình diễn hai cái mặt, như hai cái bánh bao chiều. Lần này còn tệ hại hơn lần trước khi được phỏng vấn trong chương trình Tiếng Hát Hậu Phương. Hai ông này để một tên xướng ngôn viên không ra gì, nó mắng chửi, nó xỉ vả, nó dạy dỗ là : “phải biết làm gương, không được chia rẽ, không được tổ chức thêm đại hội thứ hai để làm lợi cho kẻ thù”.    Nó dạy dỗ, làm nhục ngay trên đài, cho cả làng cả nước xem, nhục lây cả tập thể Võ Bi, mà hai ông này cứ ngồi trơ mắt ếch, mặt ngờ nghệt, y như hai con ngỗng đực, đang rặn vì táo bón. Cái nhục này chẳng thua kém gì cái nhục của 2 ông, Tsu A Cầu Khóa 29 và Nguyễn Văn Ức khóa 16, khi 2 ông này xun xoe, nịnh hót, đứng hầu sau lưng một tên trọc phú mất dậy, tai tiếng trong cộng đồng. Còn gì là thanh danh Võ Bị!  Còn ông võ bị nào muối mặt, can đảm, tháng sáu này vác mặt đến tham dự Đại Hội Võ Bị XXII do nhóm người vô liêm sỉ này đứng ra tổ chức nữa hay không?

Thưa Nam Anh. Bài học đầu tiên tập làm lính Võ Bị là tuân lệnh tuyệt đối, thi hành trước, khiếu nại sau. Đàn anh đưa quả ớt, nói đây là quả chuối Võ Bị, thì đàn em cũng phải nhận là quả chuối. Không nhận thì thi hành hình phạt cho đến khi nào nhận là quả chuối Võ Bị mới thôi. Nhận rồi cũng chưa chắc được mấy ông đàn anh cho yên thân. Chuối thì phải ăn được. Ăn một trái chuối võ bị là tá hỏa tam tinh, trời đất lộn ngược, thấy chín từng mây, mồm miệng mếu máo, nước mắt dầm dề. Chỉ có mấy ông họ nhà “Ợt” ở “xự Huệ” may ra mới chịu nổi. Đó là bài học tuân lệnh tuyệt đối, để mai sau, trên đường binh nghiệp, sẽ có những lệnh trên ban xuống, trăm cay, ngàn đắng, có khi phải đi vào tử lộ, mà cũng phải thi hành.

Lần này là lần thứ hai, lệnh đàn anh Trần Quang Duật Khóa 21 ban xuống, chỉ định tôi phải trả lời phỏng vấn Áo Trận Bạc Mầu kỳ thứ 115. Chạy trời không khỏi nắng. Làm sao tôi từ chối được, tôi phải nhận lời phỏng vấn. Thưa Nam Anh … xin lỗi, tôi quên …thưa cô “Dạ Lan” của Áo Trận Bạc Mầu, xin “Dạ Lan” thương tình, phỏng vấn tôi dễ dễ, nhè nhẹ thôi nghe.

Nam Anh:
Nam Anh cám ơn ông đã nhận lời cho Nam Anh phỏng vấn.

Nghe người ta đồn rằng, ông Vũ Công Dân có họ hàng thân thích với họ nhà Ong, phải không ông? Hèn chi thấy ông hay châm chích, trêu ghẹo mọi người. Ông đang trêu ghẹo Nam Anh đấy, ông biết không?

Lần phỏng vấn trước, Nam Anh đã trả lời rồi:  Nam Anh không dám so sánh với em gái hậu phương Dạ Lan và Chương Trình Áo Trận Bạc Màu cũng không dám so sánh với  Chương Trình Dạ Lan Của Đài Phát Thanh Quân Đội trước năm 75 đâu. Nam Anh chỉ là con chim khuyên nho nhỏ, làm sao mà dám sánh với Phượng Hoàng.

Vũ Công Dân:
Rất chân tình, không phải chỉ mình tôi, mà các bạn tôi nữa, nhất là anh em Võ Bị đều khen ngợi và hàng tuần đón nghe chương trình Áo Trận Bạc Mầu. Nam Anh là diễn viên chính của ATBM, tài tử xuất sắc, nhiều năm kinh nghiệm, giọng nói êm nhẹ, thanh thoát, ứng biến lanh lợi và lưu loát. Như vậy, kẻ tám lạng, người nửa cân, Vũ Công Dân trêu ghẹo Nam Anh là Dạ Lan, đâu có gì quá đáng. Nếu so sánh con chim khuyên nho nhỏ là Nam Anh, với chim Phượng Hoàng là Dạ Lan, thì Nam Anh chiếm ưu thế hơn, bởi vì, Chim Phượng Hoàng không có thật, chỉ là loài chim trong trí tưởng tượng của người xưa, họ tưởng tượng, rồi kết hợp tất cả những nét đẹp, nét huyền hoặc của muôn loài chim, kèm theo với nhiều truyền thuyết để tạo nên một loài chim quý, là con chim Phượng Hoàng. Quý nhưng không có thật. Còn con chim khuyên, loài chim bé nhỏ, mầu sắc tuyệt đẹp, lanh lẹ chuyền trên những cành cây, tiếng hót líu lo, là loài chim có thật. Vũ Công Dân thích con chim khuyên nho nhỏ, hơn là chim Phượng Hoàng không có thật.

Người trẻ sống với hiện tại và tương lai. Người già sống với quá khứ. Cám ơn chương trình ATBM, cám ơn tiến sĩ Hồ Văn Di Hấn, cám ơn Nam Anh và niên trưởng Trần Quang Duật, quý vị hàng tuần đã mang đến tặng cho chúng tôi, những người lính già những gói quà quá khứ, kỷ niệm của một thời khói lửa, binh đao.

Nam Anh:
Cám ơn những lời khen của ông Vũ Công Dân. Có lửa mới có khói, quả thật, ông có họ hàng với họ nhà Ong. Ông khen thì Nam Anh gánh mấy gánh cũng không hết, mà ông phang người ta, Nam Anh thấy người ta ngóc đầu lên không nổi, nói theo kiểu lính là: “từ chết đến bị thương”. Phải vậy không ông Vũ Công Dân?

Thưa ông Vũ Công Dân. Được biết ông tốt nghiệp khóa 23 Võ Bị, và cũng là một sĩ quan Hải Quân. Chuyện đời Võ Bị, ông đã kể trong lần phỏng vấn trước. Lần phỏng vấn này, xin ông cho Nam Anh và thính giả của đài được nghe vài kỷ niệm vui buồn đời thủy thủ của ông. Được không ạ.

Vũ Công Dân:
Thưa Nam Anh, Mỗi người, sau ngày mãn khóa, bước ra khỏi cổng trường Võ Bị, mang theo một số mệnh khác nhau. Định mệnh hay Thiên cơ đã sắp sẵn cho mỗi người. Sướng, khổ, gian nan, hoạn nạn, công danh, phú quý, ngay cả cung tù tội, cũng là phần số của mỗi người. Không ai biết trước để nắm bắt hay tránh xa. Chỉ vài tháng sau ngày mãn khóa, tôi tìm tin tức bạn bè ở các quân binh chủng, ở 4 vùng chiến thuật. Tôi được biết, một số bạn đã nằm xuống, một số ở các quân binh chủng bị thương trong trận Hạ Lào đang nằm điều trị trong bệnh viện, một số vẫn miệt mài, gian khổ ngoài chiến trường. Tôi biết là số tôi may mắn hơn rất nhiều bạn đồng khóa. Tôi muốn chia xẻ những gian khổ, hiểm nghèo với các bạn cùng khóa của tôi. Tôi mang mặc cảm nợ nần các bạn, nên tôi tự nguyện: Đời Hải Quân của tôi sẽ chỉ có sông, và biển, nhất định không là Sĩ Quan Hải Quân mắc cạn, không làm Sĩ Quan Hải Quân Công Chức ở các  đơn vị bờ như bộ tư lệnh, căn cứ v..v..v.

Tôi kể Nam Anh nghe vài kỷ niêm vui buồn của đời thủy thủ trên sông. Chỉ  có đơn vị sông ngòi, các giang đoàn như Giang Đoàn Tuần Thám, Thủy Bộ, Ngăn Chặn, Xung Phong mới có được tí chút nguy hiểm, tí chút hào hùng và rất vui.

Chuyện thứ nhất: - Tôi ở Giang Đoàn Tuần Thám. Cứ đi một phiên tuần tiểu đêm, rồi lại đi một phiên tuần tiểu ngày. Đi tuần đêm thì khoảng 4 giờ chiều nhận lệnh, lãnh bản đồ, đặc lệnh truyền tin, đeo khẩu Colt, chắc ăn vác theo khẩu M16, xuống cầu tầu chuẩn bị súng đạn, “check” lại tình trạng chiến đỉnh và nhân viên. Dắt hai chiếc khinh tốc đỉnh. Hai máy bơm phản lực phun nước rầm rầm, chiến đỉnh lướt sóng như bay ra vùng. Tuần tiểu,  phục kích, sáng 7,8 giờ sáng dắt chiến đỉnh về căn cứ. Tuần tiểu ban ngày thì 4, 5 giờ sáng dắt chiến đỉnh đi, đêm tối dắt về.  Tuần tiểu ngày xong, được nghỉ một đêm một ngày, rồi đi tuần đêm. Tuần đêm xong, nghỉ một ngày một đêm lại đi tuần tiểu ban ngày. Quá dư thời giờ để vù về Sài Gòn vung vít, bay bướm, hẹn đào, đưa đào đi chơi. Cứ thế tháng ngày trôi qua, nhàn hạ, vui như Tết. Mẹ tôi thấy tôi đi đi, về về, bồ bịch lăng nhăng, cứ dò hỏi xem tôi có phải ra trận mạc gì không. Tôi thường nhăn nhó đánh trống lảng: Võ Bị mà đi Hải Quân, chữ thọ to bằng cái đình, mẹ còn lo gì nữa.

Cho đến một hôm, bà hàng xóm đem qua một tờ báo hỏi mẹ tôi: có phải hình cậu Dân đây không cụ? Mẹ tôi thấy hình tôi đứng chống nạnh bên một hàng xác Việt Cộng sắp dọc theo bờ sông, bà đờ người như mất hồn.

Chuyện thứ 2: – Một buổi chiều dắt hai Khinh Tốc Đỉnh trên đường về căn cứ, ngang qua ngã ba sông, tôi cột 2 trái lựu đạn chống người nhái dính vào với nhau, thẩy xuống sông, đình kiếm vài con cá chẽm đem về tặng đào. Không ngờ trúng phải đàn cá Sơn, chỉ lớn bằng bàn tay, cả triệu con, chết trắng cả sông. Dân làng gần đấy rủ nhau mang thùng mang khạp ra sông vớt cá. Tối về kể cho mẹ tôi nghe, mẹ tôi dẫy nẩy: “Tiên sư cha ông, ông tướng nhà trời. Hôm nay rằm tháng bẩy, tôi đi cúng chùa, mua được vài con chim sẻ, thả phóng sinh, cầu phước cho ông. Ông tướng ngoài sông giết cả triệu con cá”.

Thưa Nam Anh, và quý thính giả. Sau này tôi ra hạm đội, đi biển buồn lắm, đầu tiên đi chiếc tuần duyên hạm PGM, tháng ngày lắc lư, ngược xuôi ven biển, Đà Nẵng, Cam Ranh, Nha Trang, Quy Nhơn, Vũng Tầu,  Phú Quốc. Biệt phái hết vùng này đến vùng khác, vùng 1, vùng 2, vùng 3, vùng 4. Có khi cả mấy tháng mới được về nhà. Đi cận duyên nên còn thấy bờ, cũng đỡ buồn, lâu lâu mặc bà ba đen, lận khẩu colt, quá giang ghe chài vào bờ, chui rúc, hàng quán.

Hết tuần duyên, tôi thuyên chuyển lên tuần dương. Tôi lên Tuần Dương Hạm, quanh năm Hải Đảo, Hoàng Sa, Trường Sa, mút chỉ ngoài khơi, lâu lâu được nghỉ bến ở Cam Ranh, Đà Nẵng. Lên bờ cũng hoang đàng, vung vít tí chút. Nhiều khi 3, 4 tháng mới được về nghỉ bến ở Sài Gòn, hoặc về để sửa chữa. Quanh năm suốt tháng trời biển bao la, chân trời xa tắp, mắt mờ hải đảo. Nhưng cũng là ước nguyện của tôi. Tôi đã tuyên bố với các bạn, xuất thân Võ Bị, nêu lục quân phải mặc đồ rằn, mũ màu. Nêu không quân phải bay khu trục, bay F5, nêu hải quân phải trên Tuần Dương Hạm hay Khu Trục Hạm, một trong 9 chiếc lớn nhất của Hải Quân Việt Nam.

Những năm sau này, khi phục vụ trên chiến hạm Tuần Dương, tôi đã có gia đình. Hải hành hai ba tháng mới về, vợ con ở nhà trông ngóng từng ngày. Ngày về thì vui, ngày đi thì buồn. Buồn nhất là hôm tầu rời bến. Sĩ Quan, thủy thủ, lễ phục trắng, đứng dọc thành tầu để chào bến ra đi. Tôi đứng trên đài chỉ huy, tôi thấy vợ tôi dưới cầu tầu vẫy vẫy tay từ biệt. Rồi con tầu tách bến ra giữa dòng, từ từ xuôi về hướng Khánh Hội, theo dòng sông ra biển. Tôi nhìn qua ông nhòm, vẫn thấy vợ tôi vẫy tay ở cầu tầu, rồi thấy nàng chạy dọc theo bờ sông, lên nhà hàng Mỹ Cảnh, đứng ở bên phà Thủ Thiêm, vẫy tay được những lần cuối rồi mất hút. Tôi vẫn thầm nói: em có thể theo anh suốt cuộc đời, nhưng làm sao em có thể chạy theo tầu anh, ra tới biển.

Thưa Nam Anh, chuyện đời thủy thủ thì nhiều lắm, kể không hết. rất mong có dịp kể tiếp cho Nam Anh và thính giả của Áo Trận Bạc Mầu nghe, may ra cũng vui được một vài trống canh!

Để chấm dứt chuyện Thủy Thủ. Xin Nam Anh cho tôi và thính giả của đài, được thưởng thức bản nhạc Hoa Biển, của nhạc sỹ Anh Thy, qua tiếng hát của Gia Huy. Tôi là dân Hải Quân đi tầu biển, mà ngày xưa, mỗi lần nghe ai hát bài này tôi dị ứng, ghét lắm, xếp vào loại nhạc xến. Mấy ông nhạc sĩ ba xạo. Thuở tôi mới thuyên chuyển xuống PGM, đi những chuyến công tác đầu tiên, gặp mùa biển động, con tàu nhào lộn, lặn hụp, ném tôi văng từ bên này sang bên kia, ói ra mật xanh mật vàng. Làm gì có lắc lư con tầu đi, làm gì có Hoa Biển! Mấy ông Hải Quân Mắc Cạn, ngồi trên bờ hay tưởng tượng, dẽ ghét! Bây giờ Vũ Công Dân là người thủy thủ già, dễ tính, Hoa Biển cũng hay, mà Tuyết Trắng của mấy ông Không Quân nghe cũng được, bớt Xến.

Xin Nam Anh cho nghe Hoa Biển.

--------------------- (bản nhạc  Hoa Biển) ----------------------

Nam Anh:
Những người bạn võ Bị Thân quen của Nam Anh thường kheo rằng: Nói đến trường Võ Bị là phải nói đến trường sở uy nghi, nói đến quân phục của sinh viên sĩ quan và phải nói đến những nghi lễ truyền thông. Xin ông Vũ Công Dân giới thiệu và dẫn giảng cho Nam Anh và quý thính giả của đài một vài nghi lễ quan trọng của trường Võ Bị.

 Vũ Công Dân:
Thưa Nam Anh, vì thời lượng không còn nhiều, có lẽ không đủ để tôi trình bầy chi tiết hai nghi lễ truyền thông, rất đặc biệt của Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam là Lễ Truy Điệu Truyền Thống và Lễ Mãn Khóa.

Lễ Mãn Khóa nếu muốn trình bầy phải xử dụng rất nhiều hình ảnh, thì Nam Anh và quý thính giả mới thấy được hùng khí, uy nghi và trang nghiêm của buổi lễ. Ở đây, tôi xin trình bày sơ lược những nét chính của Lễ Mãn Khóa

Bắt đầu buổi Lễ Mãn Khóa là diễn hành của Trung Đoàn Sinh Viên Sĩ Quan với quân phục đại lễ mùa hè, từ doanh trại, xuống đường vòng Alpha ra Vũ Đình Trường để vào đội hình hành lễ. Diễn hành theo tiếng nhạc quân hành của Ban Quân Nhạc. Dẫn đầu là Khối Quốc Quân Kỳ, tiếp đến là Sinh Viên Sĩ Quan thủ khoa dẫn trước khối Sinh Viên Sĩ Quan khóa tốt nghiệp. Theo sau là các đại đội Sinh Viên Sĩ Quan khóa còn đang thụ huấn với hàng kiếm, hàng cờ, hàng súng, lưỡi lê sáng loáng cắm đầu súng. Hình ảnh thật đẹp mắt và oai hùng.

Tiếp theo là rất nhiều lễ nghi quân cách ngoài Vũ Đình Trường trước khán đài. Đặc biệt, đáng chú ý nhất là:

  - Lễ gắn cấp bực cho các si quan tốt nghiệp tiếp theo là lễ tuyên thệ trung thành với tổ quốc. Được khởi đầu bằng hiệu lệnh “quỳ xuống các người”, kết thúc bằng “đứng dậy các tân sĩ quan.”

-  Lễ trao cung kiếm cho sĩ quan thủ khoa.  Sĩ quan thủ khoa bắn tên đi bốn phương trời, tượng chưng cho chí làm trai tang bồng hồ thỉ.

- Tân sĩ quan sẵn sàng lên đường phục vụ trong bài đồng ca Xuất Quân

- Sống động nhất phải kể đến Kịch Mãn Khóa, thường là diễn Trận Đống Đa. Vua Quang Trung đại phá quân Thanh. Kịch được diễn trên Vũ Đình Trường rộng lớn, bởi hàng trăm Sinh Viên Sĩ Quan. Thành quách, cơ quạt, gươm giáo, trang phục quân Tàu, quân Ta như thật. Giao chiến, đánh nhau xáp lá cà cũng như thật, chỉ có gươm giáo là giả. Lẽ dĩ nhiên, khóa đàn em phải đóng làm quân Tàu và khóa đàn anh được làm quân ta. Quân Tàu thì cuối cùng phải chết, nằm la liệt trên sân, quân ta phá thành, đại thắng. Vũ Công Dân lúc còn là khóa đàn em, phải làm quân Tầu, xáp chiến tơi bời rồi phải thua, phải chết, nằm dài trên sân, nhưng vô phúc, ông đàn anh làm quân ta nào mà ngớ ngẩn chạy ngang, Vũ Công Dân cũng lén mở mắt, lụi cho đàn anh đó một giáo, cho bõ ghét, rồi mới chịu nằm chết luôn.

Mùa mãn khóa là mùa Noel, Đà Lạt giá lạnh, có hoa anh đào, có Mimosa vàng nở. Mùa của tình yêu. Những Tân Sĩ Quan vừa tốt nghiệp sắp phải rời xa Đà Lạt. Mỗi người một tâm tư, mỗi người một nỗi niềm u uẩn. Chưa biết ngày mai sẽ ra sao. Ai xa Đà Lạt mà chẳng vấn vương, nhất là những khóa sau này thụ huấn bốn năm. Bốn năm, thời gian đủ dài để có những cuộc tình sâu đậm. Mùa mãn khóa, mùa của chia ly. Những chàng trai Võ Bị sắp tung cánh bay đi bốn phương trời. Có người thênh thang nhẹ nhàng vì “lòng chưa hề yêu ai”. Có người yêu hứa chờ đợi. Có người hứa sẽ quay trở về se duyên.  Cũng có nhiều đám cưới thật giản dị, vội vàng để em theo chàng về dinh. Trong số những người sau ngày mãn khóa đưa nàng về dinh, có người bạn rất thân của tôi. Cho đến bây giờ tôi vẫn thương quý vợ chồng nó. Thương quý như anh em ruột thịt. Tôi vẫn tán tụng, cuộc tình của hai đứa mày tuyệt đẹp, dễ thương, một cuộc tình bền bỉ, chung thủy cho đến ngày hôm nay, dù là 50 năm phải vượt qua qua bao nhiêu gian khổ. Nhớ ngày mãn khóa, bạn tôi reo vui vì chọn được mũ đỏ nhẩy dù. Rồi vui mừng trong hạnh phúc, được bố mẹ hai bên cho làm đám cưới giản dị, cấp tốc, để đưa nàng về dinh. Về dinh, nàng sống với gia đình chồng, còn bạn tôi, mút mùa chinh chiến, chỉ khi nào bị thương mới về nhà, hai đứa mới được gặp nhau. Mỗi lần Tầu về nghỉ bến ở Sài Gòn, tôi hay ghé thăm bác, mẹ của bạn tôi. Một lần bác kể với tôi:

- “Bác hỏi nó, con chọn nhẩy dù con có ân hận không, nó trả lời không. Thế con ra trường lầy vợ ngay con có ân hận không, nó cũng trả lời không. Nhưng, nó gật đầu, vừa đi nhẩy dù vừa lấy vợ thì con hối hận”.

Còn chuyện của tôi, một cuộc tình lỡ, chỉ có một bài thơ tạ từ, nay đã quên đầu quên đuôi:

Thôi nhé em về theo ánh sao
Từng đêm góp nhặt những tơ sầu
Ta đi mang trọn niềm thương nhớ
Trọn bóng hình em trong mắt sâu
Ta đi mượn nắng che đầu
Đã nghe nắng nhạt phai mầu sắt son
Hành trang kín nửa linh hồn
Với đau quá khứ với buồn tương lai
Mười tám Xuân tròn
Em gái yêu ơi
Tóc xanh dị mộng
Mắt xanh tuyệt vời
Ta đi héo nụ hoa cười
Em về ngự trị trên lời cuồng ca
Áo hoa xanh cánh bay xòa
Bước chân ngoan đạo, búp ngà ngoan cung
Ngày mai ta đi gió núi mưa rừng
Thương em gối mộng lỡ chừng chiêm bao
. . . . . . . . . . . . . .

Thưa Nam Anh, phần chính tôi muốn trình bày hôm nay là Lễ Truy Điệu Truyền Thống, bởi vì Đại Hội Võ Bị Toàn Cầu kỳ thứ 22, tổ chức trong 3 ngày, 22, 23 và 24 tháng 5 năm 2020 tại thành phố Westminster ở miền Nam Tiểu Bang California. Trong đại hội này: Đêm 22 tháng 5, từ 7 giờ đến 9 giờ tối. Tại địa điểm Freedom Park, Khu Tượng Đài Chiến Sĩ . Đại Hội Võ Bị Toàn Cầu kỳ thứ 22 sẽ dàn dựng một Lễ Truy Điệu Truyền Thống giống hệt như khi xưa của trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam. Giống từ: Đài Tử Sĩ,  Khối Quốc Quân Kỳ, Đại Lễ Mùa Đông và các trang trí như chiên, trống, đuốc lửa.

Ban tổ chức kính mời quý đồng hương, người Việt ở khắp nơi đến tham dự thật đông, để chứng kiến một Lễ Truy Điệu Truyền Thống của Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam chưa tùng được tổ chức chu đáo như lần này ở hải ngoại.

Lễ Truy Điệu Truyền Thống: theo truyền thống, lễ truy điệu được cử hành vào đêm trước ngày mãn khóa. Đêm truy điệu được diễn ra ngoài Vũ Đình Trường, trước đài tử sĩ,  trong một khung cảnh linh thiêng, bi hùng. Hàng ngàn Sinh Viên Sĩ Quan các khóa, trong quân phục đại lễ mùa Đông, súng trên vai, lưỡi lê đầu súng, đứng im như những pho tượng đồng đen. Cả trường Võ Bị chìm trong bóng tôi, chỉ còn lại  những ánh đuốc cháy bập bùng soi sáng đài tử sĩ. Trong cái giá lạnh, trong khung cảnh âm u, của núi đồi Đà Lạt, tiếng gió rít ngoài rừng núi, dưới thung lũng vọng về, nghe  như hồn thiêng sông núi, nghe như anh linh các vị đàn anh đã hi sinh ngoài chiến trường đang trở về trường, đang chứng giám lời thề của đàn em hậu thế, ngày mai sắp sửa lên đường, đem sinh mạng mình, thề bảo vệ chính nghĩa, quốc gia, dân tộc.

Sau những hồi chiêng, trống, tiếng sáo, tiếng vọng đến như từ cõi âm:  “Chiến Sĩ Trận Vong” ..  “Chiến Sĩ Trận Vong” .. “Chiến Sĩ Trận Vong”  là bài văn tế, truy điệu hồn tử sĩ, một tuyệt tác của cựu chỉ huy trưởng Đại Tá Trần Ngọc Huyến, khiến ai nghe cũng phải rùng mình, xúc động, nhiều người bật khóc.

Mẹ tôi lên đón tôi về, khi tham dự lễ truy điệu, bà cụ khóc nức, các cô em gái đi theo mẹ tôi phải dìu, phải dỗ bà, bà khóc suốt trên đường về. Có lẽ chợt liên tưởng đến, cuộc đời chinh chiến mai này của tôi. Lúc ấy bà đã biết tôi chọn mầu mũ nâu biệt động.

Thưa Nam Anh và quý thính giả. Sau đây tôi đọc Bài Văn Tế Truy Điệu.  Bài viết của cựu chỉ huy trưởng Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam Đại Tá Trần Ngọc Huyến. Bài văn tế này được đọc trong buổi lễ truy điệu. Mấy câu thơ được ngâm bới một giọng nữ, có tiếng sáo đệm theo:

Chiến sĩ Trận Vong
Chiến sĩ Trận Vong
Chiến sĩ Trận Vong

Lúc bấy giờ trên cánh đồng chiêm bắc việt,
Bên con rạch nhỏ Đồng Nai, trong đám rừng sâu Trung Việt,
Phút chốc liệt vị đã trở nên người thiên cổ.
Sự nghiệp đang công đeo đuổi, thôi cũng đành ôm hận ngàn thu.

Mô đật lạ chôn vùi thân bách chiến,
Đám sương mù tàn tạ mảnh chinh y.

Đành rằng chốn trần gian nào ai mong sống mãi,
nhưng lúc quốc thù chưa gột rửa.
Chí làm trai chưa toại mộng hải hồ thì hận tuyền đài làm sao ngăn được dòng huyết lệ.

Lại còn,

Người thân kẻ thuộc, ơn cù lao nghĩa vợ chồng,
tình huynh đệ, bao tình cảm sao nỡ dứt cho đành.

Nhưng!

Non nước Việt vẫn thắm tươi cùng thảo mộc.
Dòng Lạc Hồng còn tồn tại với thời gian.

Bởi đâu, nhờ đâu?

Thân chiến sĩ vững xây nền thế hệ,
Máu anh hùng nhuộm thắm lá cờ Nam.

Đêm nay gió lạnh trên đồi thông đang nổi dậy.
Ánh lửa hồng đang mờ tỏ từng hồi.

Chiến sĩ trận vong!

Hãy trở về chứng giám,

Ngày mai đây, một đoàn trai sẽ hăm hở lên đường nối chí tiền nhân,
làm Tổ Quốc Non Sông thêm tỏ rạng.

Chúng tôi không tìm an lạc dễ dàng.
Mà chỉ khát khao gió mưa cùng nguy hiểm.

Nhưng rồi cũng có lúc,
chí còn mong tiến bước,
nhưng sức không kham nổi đoạn đường.
Chúng tôi cần được dắt dìu.

Chiến Sĩ Trận Vong!

Có linh thiêng hãy chỉ lối đưa đường.

Hãy nung nấu tâm can chúng tôi với ngọn lửa thiêng truyền thống.

Hãy chứng giám lời cầu xin của đàn em hậu thế.

Thưa Nam Anh, có lẽ thời lượng của chương trình sắp hết.

Xin Nam Anh cho tôi được vài phút thưa gửi với quý thính giả của đài và quý đồng hương người Việt Hải ngoại để trần tình về tình trạng xáo trộn trong tập thể Võ Bị và gửi vài lời tâm tình với các anh em Võ Bị:

Thưa quý thính giả của Việt Washington DC Radio và quý đồng hương người Việt Hải ngoại:

Mặc dù đau buồn, tủi hổ vì tình trạng xào xáo, bất ổn của Tổng Hội Võ Bị. Nhưng, chúng tôi, luôn tin tưởng rằng, người Việt hải ngoại dầy kiến thức và kinh nghiệm chống cộng sẽ lượng thứ và nhận định khách quan về tình trạng bất ổn, bất lành trong tập thể Võ Bị hiện nay. Chúng tôi vẫn tin tưởng rằng người Việt, nhất là Người Việt Tị Nan CS ở  hải ngoại vẫn dành tình cảm, ưu ái với những sĩ quan xuất thân từ Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam, những người đã một thời lấy xương máu của mình đổi lấy sự yêu thương và tin cậy của toàn thể đồng bào miền Nam trong cuộc chiến chống Cộng vừa qua.

Thưa các niên trưởng, các bạn đồng khóa các niên đệ.

  1. Hãy về tham dự thật đông ngày Đại Hội Võ Bị Toàn Cầu kỳ thứ 22, tổ chức trong 3 ngày, 22, 23 và 24 tháng 5 năm 2020. Đó là hình thức bỏ phiếu bằng chân, không chấp nhận Đại Hội 5 khóa.
  2. 5 khóa không thể là một Tổng Hội, chỉ có thể là Liên Khóa.
  3. 5 khóa không đủ tư cách để tổ chức Đại Hội Võ Bị toàn cầu.
  4. Đúng theo nội quy, Đại Hội Võ Bị Toàn Cầu phải được tổ chức luân phiên ở các tiểu bang, không được nằm ì một nơi. Đại hội của 5 khóa lần này là lần thứ 3 quanh quẩn ở Nam Cali, để dựa dẫm vào Tập Thể Chiến Sĩ và các đảng phái chính trị vùng Little Saigon. Là trái với nội quy.
  5. Các anh Cầu, Hàm, Thiệt, Ức …., Nếu các anh thích sinh hoạt đảng phái, chính trị, VT, TTCS, hay có cơ sở làm ăn trong nước, đó là quyền tự do của các anh, cứ sinh hoạt, cứ làm ăn với họ, nhưng với tư cách cá nhân, đừng để hệ lụy đến thanh danh Võ Bị.
  6. Đừng cõng rắn vào cắn Tổng Hội.
  7. Những con sâu có tỳ vết, tai tiếng ngoài cộng đồng, bị mắng chửi dậy dỗ ngoài cộng đồng, bưng bô Hoàng Kiều, bợ đỡ Kiều Ngọc, “không chống cộng, chỉ chống cái ác”. Nên tự trọng, tránh xa tập thể võ bị.

Nam Anh:
Cám ơn ông Vũ Công Dân đã thổ lộ tâm tình buồn vui đời lính thủy với Nam Anh và thính giả của đài. Mong có dịp được tái ngộ với ông.

Vũ Công Dân:
Cám ơn quý thính giả của Việt Washington DC Radio. Cám ơn Nam Anh và ban điều hành Áo Trận Bạc Mầu.. Đã dành cho tôi cuộc phỏng vấn vui và rất thú vị. Kính chào tạm biệt quý vị



Pages