Phỏng vấn CSVSQ Vũ Công Dân Khóa 23 Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam - Đại Hội Võ Bị Toàn Cầu Kỳ Thứ 22

 

 

Tuesday, January 14, 2020

Phỏng vấn CSVSQ Vũ Công Dân Khóa 23 Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam





Nam Anh:

     Thưa quý vị, hôm nay, trong chương trình ATBM-Kỳ thứ 110, Nam Anh hân hạnh được phỏng vấn Ông Vũ Công Dân là Cựu Sinh Viên Sĩ Quan   khóa 23 của Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam. Cuộc phỏng vấn với chủ đề Đại Hội Võ Bị Toàn Cầu kỳ thứ 22, sẽ được tổ chức trong 3 ngày, 22,23 và 24 tháng 5 năm 2020 tại thành phố Westminster ở miền Nam Tiểu Bang California.

    Nam Anh thân chào ông Vũ Công Dân, xin ông có đôi lời tự giới thiệu và gửi lời chào đến quý thính giả của đài Việt Washington DC Radio.

Vũ Công Dân:

     Chào Nam Anh.  Tôi là Vũ Công Dân, là Cựu Sinh Viên Sĩ Quan khóa 23 của Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam, xin kính chào quý thính giả của đài phát thanh Việt Washington DC.

     Thưa Nam Anh, Tôi ở miền tây, bên bờ Thái Bình Dương, Nam Anh ở miền Đông, bên bờ Đại tây Dương, cách nhau vạn dặm … và tôi chỉ là một Cựu Sinh Viên Sĩ Quan rất bình thường trong tập thể Võ Bị, không phải là chức sắc của Tổng Hội và cũng không giữ chức vụ gì trong Ban Tổ Chức Đại Hội Võ Bị Toàn Cầu kỳ thứ 22. Không biết tại sao, lại có vinh dư, được Nam Anh dành cho tôi cuộc phỏng vấn hôm nay? Người Việt có câu: “Tiếng lành đồn gần, tiếng dữ đồn xa”, chắc ai đó gán cho tôi tiếng dữ. Tiếng dữ đồn xa, từ miền Tây sang mãi tận miền Đông tới trước cửa nhà Nam Anh? Phải không Nam Anh?

Nam Anh: 

   Không có tiếng lành tiếng dữ đâu ông Vũ Công Dân. Ông Trần Quang Duật, cựu sinh viên sĩ quan Võ Bị khóa 21, là người cộng tác trong chương trình Áo Trận Bạc Mầu đã giới thiệu ông với Nam Anh. Còn nói nhỏ với Nam Anh là phỏng vấn ông này chắc vui lắm.

Vũ Công Dân:

   Phải thú thật với Nam Anh, Từ ngày qua Mỹ, đây là lần đầu tiên tôi nhận trả lời phỏng vấn. Tôi nghĩ mình ăn nói vô duyên, đôi khi ngang ngược, mà “nhất ngôn ký xuất, tứ mã nan truy”, nếu lỡ lời ngoài “public” không lấy lại được, dễ bị người đời chê trách, có khi mang họa. Hôm nay tôi nhận lời phỏng vấn của Nam Anh, vì cảm tình tôi dành cho chương trình Áo Trận Bạc Màu, vì thích nghe Nam Anh phỏng vấn, thích nghe Nam Anh hỏi các ông lính về chuyện ngày xưa.

     Mỗi lần nghe Áo Trận Bạc Mầu, tôi liên tưởng đến chương trình Dạ Lan trước năm 75. Nhớ giọng nói ngọt ngào mà hàng đêm cô em gái hậu phương Dạ Lan thì thầm với các anh lính ngoài tiền tuyến.

     Nam Anh phỏng vấn tôi trên radio, tôi nhận, chứ nếu Nam Anh phỏng vấn trên truyền hình, chắc chắn tôi từ chối. Thưa Nam Anh, bây giờ tôi rất sợ bị phỏng vấn, bởi vì, cách đây khoảng 2 tháng, ở vùng Thủ Đô Tị Nạn, có một đài Ti Vi bắt chước ngày xưa, “Em Gái Hậu Phương” phỏng vấn 2 Ông Võ Bị, một ông khóa 25, một ông khóa 18. Tôi xem xong chương trình này, ngượng chín người, ngượng đến nổi da gà, tôi phải diễu cợt là, hai “lão bà hậu phương” chứ không phải là hai em gái hậu phương, đang khảo bài hai “lão ông Võ Bị”, hai lão ông này không thuộc bài! mặt cứ cúi gầm đọc sách, mà đọc cũng không xong, ậm ừ, nhắt gừng từng chữ, như chó mắc cục xương. Bây giờ làm gì còn em gái hậu phương với anh tiền tuyến, làm gì còn hai chàng Võ Bị hào hùng, khoe mình đa năng đa hiệu nữa. Chỉ còn là hai lão ông trên dưới 80, da mồi tóc bạc, mặt như 2 cái bánh bao chiều! Lên truyền hình để quảng cáo Võ Bị, quảng cáo Đại Hội 22 mà hóa ra phản tuyên truyền … làm mất mặt KBC, làm bẽ mặt Võ Bị. May quá, Nam Anh phỏng vấn tôi trên Radio, mọi người chỉ nghe được tiếng tôi nói mà không nhìn thấy tôi, nếu không, lại thấy một lão ông thất thập cổ lai hy … với cái bánh bao chiều.

Nam Anh:

  Nam Anh cám ơn ông đã nhận lời cho Nam Anh phỏng vấn và cám ơn lời khen bóng gió của ông.  Nam Anh và Áo Trận Bạc Màu không dám so sánh với chương trình Dạ Lan đâu, con chim khuyên nho nhỏ, làm sao dám sánh với phượng hoàng.

     Trước khi có những câu hỏi liên quan đến Đại Hội Võ Bị 22,  Nam Anh xin ông vui lòng cho Nam Anh và quý thính giả của đài được biết qua về khóa 23 và những vui buồn trong cuộc đời Võ Bị của ông.

Vũ Công Dân:

      Thưa Nam Anh, thư quý thính giả. Tôi tốt nghiệp khóa 23 Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam. Khóa 23 nhập trường tháng 12 năm 1965, với tổng số 282 tân khóa sinh. Sau 4 năm thụ huấn, chỉ còn lại  241 tân thiêu úy, tốt nghiệp trong lễ mãn khóa ngày 18 tháng 12 năm 1970.

     Ngắn gọn, Tôi xin tóm lược vài nét đặc thù về khóa 23.

- Ngay sau khi tốt nghiệp, một số tân thiếu úy khóa 23 đã tham dự những cuộc hành quân lớn như cuộc hành quân Lam Sơn 719, Trận Đỗ Xá, nên vài bạn đã hy sinh trên chiến trường ngay trận đầu tiên và một bạn bị bắt làm tù binh, mãi đến sau 1975 mới được thả về. Bị bắt ngay trong trận đầu, khi chưa kịp lãnh lương thiếu úy.

- Chỉ hơn một năm sau, với những trận chiến khốc liệt, nhất là mặt trận An Lộc. Khóa 23 đã có những vị được thăng cấp đại úy. Và chỉ hơn 3 năm chiến trận, khóa 23 đã có người giữ chức vụ tiểu đoàn trưởng.

- Khóa 23 là khóa đầu tiên, toàn khóa hoàn tất chương trình 4 năm. Bằng Tốt Nghiệp được Bộ Quốc Gia Giáo Dục chấp nhận tương đương với Văn Bằng Kỹ Sư Tốt Nghiệp Trường Cao Đẳng Kỹ Thuật Dân Chính.

- Sau khi tốt nghiệp, 17 sĩ quan khóa 23 được gửi đi du học Hoa Kỳ để lấy bằng MS hoặc MA trong chương trình đào tạo Giáo Sư Văn Hóa Vụ cho Trường Võ Bị. Trong số đó, có ba vị tốt nghiệp Ph.D

- Tân Sĩ Quan khóa 23 được bổ nhiệm phục vụ trong tất cả các Quân Binh Chủng, Hải, Lục, Không Quân.

     Thưa Nam Anh và quý thính giả. Bây giờ, tôi kể chuyện vui buồn đời Võ Bị của tôi. Cái tôi xấu xí! Tôi chỉ là một sinh viên sĩ quan, một sĩ quan, rất bình thường trong khóa 23. So với nhiều anh tài của khóa, có thể tôi lẹt đẹt phía sau. Nhưng, nếu nói đến sự trân quý, nặng tình của tôi đối với Võ Bị và Trường Mẹ, thì tôi rất tự hào, tôi không thua bất cứ ai.

     Tôi mê Võ Bị ngay từ lúc tôi còn ngồi lớp đệ nhất ở trường Trung Học Chu Văn An, chuẩn bị thi tú tài hai. Xong phần hai, con đường duy nhất tôi chọn là Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam. Ngày ấy trí tôi còn non nớt. Tôi cãi mẹ tôi, tôi từ chối lo liệu hồ sơ du học, qua Pháp với anh tôi. Tôi chê Bác Sĩ, Kỹ sư, giáo sư là những cái nghề buồn chán, sáng vác ô đi tối vác về. Tôi muốn sống cuộc đời hào hùng. Bây giờ nghĩ lại, tôi biết là: Tôi bị ảnh hưởng vì sinh hoạt Hướng Đạo, từ ngày bé đã thích mặc đồng phục, thích cắm trại, dựng lều và đi rừng. Tôi bị ảnh hưởng truyện Tam Quốc Chí. Mới 14, 15 tuổi đã say mê hình ảnh Triệu Tử Long, một mình một ngựa, phò Ấu chúa, phá trùng vây, máu nhuộm đỏ chiến bào. Suy nghĩ nông cạn của tôi ngày ấy, chỉ thấy một góc đẹp của đời lính, mà không nhìn thấy những góc gian khổ, bất trắc, không hề nghĩ đến, có khi mình tử trận, hoặc tàn phế. Tôi chỉ nghĩ đến nét oai hùng trong bộ quân phục, nghĩ đến vinh quang, thắng trận. Tôi mơ ước được làm tướng, mà muốn làm tướng thì phải đi Võ Bi. Mỗi khi tôi nói đến làm tướng, mẹ tôi bực tức mắng tôi: Tướng gì, tướng cướp.

Một buổi sáng còn mờ tối, chăn mùng tôi để nguyên, ngụy trang, đánh lừa mọi người. Tôi leo từ lầu hai xuống đường, đi trình diện nhập ngũ. Tôi đi Võ Bị mà 3 tháng sau, xong thời gian Tân Khóa Sinh, gia đình tôi mới biết tôi đang ở trong trường Võ Bị trên Đà Lạt.

    Tôi kể những chuyện vui dưới đây, mong là các vị tôi đề cập đến không phiền lòng. Những vị tôi đổ lỗi là đã vẽ đường cho tôi vào Võ Bị.

- Người thứ nhất là niên trưởng Phạm Ngọc Đăng khóa 22. Tài tử trong phim Một Ngày Quân Trường, được đem vào trình chiếu để dụ dỗ, tuyển mộ các học sinh lớp đệ nhất  trường Trung Học Chu Van An. Trong phim, toàn là những hình ảnh đẹp, tiêu biểu của Trường Võ Bi, hình ảnh sinh hoạt, tập luyện của Sinh Viên Sĩ Quan, lồng trong khung cảnh núi đồi và thành phố Đà Lạt, đẹp tuyệt vời, quyến rũ và mê hoặc những chàng trai mới lớn, đang ngắm nghía, chọn hướng vào đời. Quyến rũ nhất là cảnh Sinh Viên Sĩ Quan Phạm Ngọc Đăng Khóa 22, cao lớn, đẹp trai với quân phục dạo phố Worsted, alpha đỏ, nón “casquette” với huy hiệu Tự Thắng Để Chi Huy che ngang tầm mắt, đưa người tình, dạo bước trên Đồi Cù Đà Lạt. Tội niên trưởng Phạm Ngọc Đăng lớn lắm, dụ dỗ tôi, để tôi không còn đường lựa chọn nào khác, ngoài con đường Võ Bị.

- Người thứ hai cũng mang tội dụ dỗ là nhà thơ, chị Ngô Kim Thu, là người tình, là phu nhân của niên trưởng Trịnh Trân khóa 20. Thơ của chị, và người tình, niên trưởng Trịnh Trân khóa 20, góp phần không kém phim Một Ngày Quân Trường trong việc quảng cáo, tuyển mộ tân binh Võ Bị. Tôi còn nhớ nhiều câu thơ chị ca ngợi cuộc tình Võ Bị-Trưng Vương, ca ngợi mầu Alpha đỏ, ngôi trường Võ Bị và con Đường Vòng Lâm Viên.

“  …… Em sẽ ước cho tất cả những người con gái học trò áo trắng Trưng Vương và những người con trai mang mầu alpha đỏ.
Yêu nhau hoài
Đừng bao giờ xa nhau
Đừng bao giờ bội bạc
Đừng bao giờ yêu người nào khác
Ngoài Võ Bị - Trưng Vương. …..”

- Tôi trách niên trưởng Trịnh Trân khóa 20. Mầu mũ nâu của niên trưởng trong thơ Ngô Kim Thu gián tiếp góp phần xé cuộc tình tôi với người Đà Lạt tôi yêu. Đọc thơ Chị Ngô Kim Thu, theo dõi bước chân của người tình Mũ Nâu ở nơi xa xôi ngoài trận tuyến như:

  “ ….. Tóc em là muôn vàn ân ái
Mỗi sợi dài là một sợi thương anh ….”

Tôi mê ngay mầu mũ Nâu. Gần ngày mãn khóa, tôi giành giật cho bằng được mũ nâu biệt động. Rồi cũng vì mầu mũ nâu ấy, mà gần ngày mãn khóa, cứ đến cuối tuần, chủ nhật được ra phố, bà mẹ phải đưa người yêu tôi về Sài Gòn hay xuống Bảo Lộc, đi tị nạn Võ Bị, tị nạn Vũ Công Dân. Không cho chúng tôi được gặp nhau.

     Chẳng trách được những bà mẹ Việt Nam, bao giờ mà chẳng thương con, không muốn thấy con ở góa. Nhất là các bà mẹ Đà Lạt đã chứng kiến nhiều vành khăn tang. Trai Võ Bị sau ngày mãn khóa, tung ra bốn phương trời, chiến trận miệt mài, gian khổ, mấy ai quay trở về. Cô thi sĩ Đà Lạt Lê Khánh lại còn bồi thêm một câu quái ác:

                      "Trai Võ Bị không biết nghĩa thủy chung!"

     Nhưng, sau lễ mãn khóa, tôi đang đội mũ nâu, dạo phố Đà Lạt thì được tin, tôi không còn trong danh sách Biệt Động Quân, tên tôi lọt vào bảng Hải Quân. Trả lại niên trưởng Trịnh Trân cái mũ nâu.

     Thưa Nam Anh, chuyện Võ Bị của tôi còn dài lắm, nếu có dịp sẽ kể tiếp cho Nam Anh nghe.

     Tiện đây, Xin Nam Anh cho tôi được ngỏ lời với các anh em Võ Bị:

Thưa các niên trưởng, các bạn đồng khóa, các niên đệ. Qua chuyện kể Võ Bị của đời tôi, chắc quý vị hiểu được, tôi nặng tình với Võ Bị thế nào. Chính vì chỗ nặng tình ấy, mà bất cứ ai, vô tình hay cố ý vấy một vết bùn nhơ lên thanh danh võ bị, là tôi bực tức, gay gắt và rất nặng lời. Xin thông cảm. Có điều tôi vững tin rằng, chúng ta không bao giờ dứt bỏ được nhau. Anh em ruột thịt trong nhà, khi bất đồng, cũng tranh cãi, chửi mắng, cào cấu nhau, huống gì tình anh em Võ Bị. Ngày xưa, trong đơn vị, khi bình yên ở hậu cứ, anh em Võ Bị đôi khi cũng gây gổ, đánh nhau, chửi nhau, nhưng khi ra ngoài trận tuyến, khi đối diện địch quân, khi gặp nguy biến, khi bị vây hãm, lại xả thân che chở nhau, giải vây cho nhau, cứu nhau, có khi quên cả thân mình.

     Tôi ước mong tình trạng phân hóa, bất hòa trong Tổng Hội được giải quyết êm đẹp, bỏ lại phía sau. Anh em Võ Bị sẽ mời gọi nhau về tham dự thật đông trong ngày hội “Hướng Về Trường Mẹ”.  Đại Hội Võ Bị Toàn Cầu kỳ thứ 22, sẽ được tổ chức trong 3 ngày, 22, 23 và 24 tháng 5 năm 2020 tại thành phố Westminster ở miền Nam Tiểu Bang California.

   Trước khi Nam Anh phỏng vấn tôi về Đại Hội 22. Xin Nam Anh cho tôi và thính giả của đài được thưởng thức bản nhạc Em Về Mùa Thu của Ngô Thụy Miên. Bản nhạc gợi nhớ Đà Lạt, thành phố sương mù thơ mộng, Đà Lạt thân yêu vẫn tiềm ẩn trong tâm tư anh em Võ Bị. Nhưng là Đà Lạt ngày xưa, không phải Đà Lạt bây giờ, mù khói, chật chội, ồn ào, xanh xanh đỏ đỏ với những kiến trúc mang trình độ thấp kém của những người Cộng Sản.

            (Nam Anh cho nghe bản nhạc  Em Về Mùa Thu)

Nam Anh:

   Sau hai cuộc phỏng vấn với ông Hoàng Đình Khuê và ông Bùi Phạm Thành, Nam Anh cũng đã biết, Tổng Hội Võ Bị đang gặp rắc rối. Vừa qua ông có nhắc đến: tình trạng phân hóa, bất hòa trong trong Tổng Hội. Xin ông cho biết ý kiến, quan điểm của ông về tình trạng phân hóa và bất hòa này.

Vũ Công Dân:

     Quan điểm của tôi cũng giống như của ông Bùi Phạm Thành trong cuộc phỏng vấn trước. Đúng, Tổng Hội Võ Bị của chúng tôi đang gặp nạn, đang gặp rắc rối và có bất hòa giữa anh em không cùng phe nhóm. Nói rằng chúng tôi bị chia đôi, có hai Tổng Hội là không đúng sự thật. Tổng Hội Võ Bị chỉ bị mẻ một miếng, mẻ mất 5 khóa, rớt lìa ra, chưa gắn lại được.

     Tôi cần nhiều thời giờ để phân tích, trình bày chi tiết về những người chủ mưu gây ra tình trạng phân hóa và bất hòa trong tập thể Võ Bị. Với thời gian giới hạn của cuộc phỏng vấn này, tôi xin nói sơ lược nhận xét và quan điển của tôi.

      Tôi sinh hoạt với Tổng Hội Võ Bị từ những năm đầu khi mới tị nạn ở Mỹ năm 1975 nên biết rõ sinh hoạt của Tổng Hội Võ Bị. Những năm đầu tiên, anh em Võ Bị còn ít ỏi, tản mác khắp nơi. Năm năm đầu mới chỉ là thời gian tìm nhau, gọi đàn. Mãi đến năm 1980, mới thành lập Hội Ái Hữu/CSVSQ/TVBQGVN tại thành phố San Jose. Hội lớn mạnh dần, quân số đông dần tại khắp các tiểu bang Hoa Kỳ, nên đến năm 1988 mới đổi danh xưng là Tổng Hội CSVSQ/TVBQGVN. Ngày thành lập hội năm 1980 được đếm là Đại Hội Võ Bị Hải Ngoại Kỳ 1. Đến tháng 5 năm nay, 2020 sẽ là Đại Hội kỳ thứ 22. Kể từ Đại hội đầu tiên, 2 năm một lần tổ chức Đại Hội, đại hội sẽ bầu người Tổng Hội Trưởng theo nội quy. Đại Hội ngày một tổ chức vĩ đại hơn, lịch thiệp, trang trọng hơn. 19 Đại Hội đã qua, chưa lần nào có biến cố gây tai tiếng, sứt mẻ tình anh em. Cho đến đại hội thứ 20 năm 2016 tổ chức tại Westminster, thủ đô tị nạn, vùng đảng phái, "đánh trâu", gió tanh mưa máu thì Đại Hội 20 gặp nạn, Võ Bị gặp nạn. Như vậy, ý kiến và quan điểm của tôi là:

     Tội đồ phá hoại Võ Bị là những CSVSQ nằm vùng, ẩn núp trong Ban Tổ Chức Đại Hội 20 và ông Tổng Hội Trưởng, người được nặn ra trong Đại Hội 20, là tội đồ số một. Ngay sau Đại Hội 20, ông Tổng Hội Trưởng và Ban Chấp Hành được thành lập, đã lộ diện là nhóm Cựu Sinh Viên Sĩ Quan thân cộng, có cơ sở làm ăn trong nước, là chức sắc của Tập Thể Chiến Sĩ một tổ chức hoạt động chính trị mờ ám. Vì những sai phạm và vi phạm nội quy, Đại Hội Đại Diện Các Khóa đã truất phế ông Tsu A Cầu. Ông không còn là Tổng Hội Trưởng nữa, nhưng ông vẫn bám víu vào chức vụ, danh xưng, mang danh Võ Bị ra hoạt động đảng phái chính trị bên ngoài.

Nam Anh:

   Qua các buổi phỏng vấn trước và qua nhiều lần tiếp xúc với các anh Võ Bị thân quen của Nam Anh. Nam Anh biết là năm 2020 này, có hai đại hội võ bị cùng mang tên là Đại Hội Võ Bị Toàn Cầu Kỳ Thứ 22 tổ chức ở cùng thành phố Westminster chỉ cách nhau có một tháng, tháng 5 và tháng 6.

     Xin ông cho vài lời phát biểu và ý kiến về việc này.

Vũ Công Dân:

     Tôi rất đau buồn mỗi khi ai đó nói đến có 2 Đại Hội Võ Bị Toàn Cầu cùng tổ chức ở một thành phố, chỉ cách nhau một tháng. Trên thực tế thì đúng, thoáng nghe, thoáng nhìn thì đúng, có 2 Đại Hội. Nhưng nếu chú tâm, tìm hiểu, phân tích những chi tiết cá biệt của hai tổ chức thì mới biết là, chỉ có một đại hội, đúng nghĩa là Đại Hội Võ Bị Toàn Cầu kỳ thứ 22, tổ chức trong 3 ngày, 22, 23 và 24 tháng 5 năm 2020 tại thành phố Westminster ở miền Nam Tiểu Bang California.

     Đại Hội do 5 khóa tổ chức trong tháng 6 năm 2020 không thể gọi là Đại Hội Võ Bị Toàn Cầu được, chỉ là hư danh, tiếm danh bởi vì:


  1. 5 khóa, một miếng mẻ rơi rớt của 31 khóa +2 khóa phụ, không thể nhận danh xưng là Tổng Hội được. Chỉ có thể là liên khóa, cùng lắm là ngang hàng với liên hội, như liên hôi Âu Châu, liên hội Úc Châu. Mà Liên Hội thì không đủ tư cách để tổ chức Đại Hội Võ Bị Toàn Cầu. một sự tiếm danh, vô liêm sỉ.
  2. Theo truyền thống, theo quy định và nội quy. Đại Hội Võ Bị Toàn Cầu mỗi kỳ phải được luân chuyển, tổ chức ở các tiểu bang khác nhau. Riêng tiểu bang Cali vì quá lớn nên có thể chia thành 2, Bắc và Nam Cali. Địa điểm tổ chức Đại Hội phải thi hành đúng theo biên bản đã được đại hội đồng quyết định trong kỳ Đại Hội trước. Miếng mẻ 5 khóa, tổ chức đại hội với danh xưng là Đại Hội Võ Bị Toàn Cầu, thì không thể lần nào cũng tổ chức cùng một nơi, nằm ì một chỗ, quanh quẩn ở thành phố Westminster, vùng chính trị Bolsa để dựa dẫm vào Tập Thể Chiến Sĩ và các đảng phái chính trị là trái với nội quy.
  3. Hai năm trước, sau khi Ông Tsu A Cầu đã bị truất phế, không còn là Tổng Hội Trưởng, thì ông Tsu A Cầu không có chính danh để tổ chức Đại Hội Võ Bị Toàn Cầu kỳ thứ XXI và cũng không chính danh để bầu người kế nhiệm ông là ông Nguyện Văn Thiệt vào chức vụ Tổng Hội Trưởng.
  4. Xướng Danh là Đại Hội Võ Bị Toàn Cầu mà tổ chức luộm thuộm, bôi bác, khối Quốc Quân Kỳ lèo tèo một hàng ngang, không đại lễ, quân phục Kaki lếch thếch, thua cả toán Quân Quốc Kỳ của các hội đoàn nhỏ. Nghi lễ thì bịa đặt, tự chế. Lễ trao đuốc thiêng, trao cờ quạt, Lễ ôm kiếm, ngửi kiếm, hôn kiếm...

     Ban tổ chức của Miếng mẻ 5 khóa, đang làm hề cho công chúng cười ngay ở vùng thủ đô tị nạn. Ban Tổ Chức Đại Hội của Miếng mẻ 5 khóa đang làm ố danh Võ Bị, phá nát thanh danh trường mẹ. Các anh là tội đồ.

Nam Anh:

   Mặc dù ông chỉ là thường dân, không nắm giữ một chức vụ gì. Nhưng Nam Anh được biết ông quen nhiều và liên lạc mật thiết với các anh em trong ban tổ chức đại hội 22, nên ông thu thập được nhiều tin tức. Xin Ông cho Nam Anh và thính giả biết một vài chi tiết đặc biệt của tổ chức đại hội 22 năm nay.

Vũ Công Dân:

     -Theo tôi nghĩ thì Đại Hội Võ Bị Toàn Cầu kỳ thứ 22 này sẽ vĩ đại hơn, đông người về tham dự hơn Đại Hội 21 tổ chức trên San Jose năm 2018.

     - Số tiền yểm trợ từ các CSVSQ khắp nơi gửi về rất khích lệ, đến hôm nay đã trên bốn mươi ngàn đô.

     - Ban tổ chức đã thuê được nhiều căn nhà trong vùng, làm “cư xá” miễn phí để đón tiếp gia đình cựu sinh viên ở khắp nơi về tham dự Đại Hội.

     - Tất cả các bữa ăn, giải khát và giải trí ca nhạc trong 3 ngày đại hội đều miễn phí. Ngoại trừ đêm dạ tiệc tại nhà hàng là phải đóng tiền nhưng nhẹ nhành hơn đại hội 21.

     - Các chị trong đoàn Phụ Nữ Lâm Viên đã được phát vải may áo đài đồng phục.

     - Một ưu điểm đáng ca ngợi là Ban Tổ Chức không nhận tiền yểm trợ từ bất cứ cá nhân, cơ quan, đoàn thể nào bên ngoài, để giữ tính độc lập và trong sáng của tổng hội Võ Bị.

     - Khối Quân Quốc Kỳ 10 người với đầy đủ, hầu tá kiếm, hầu tá súng. Đại lễ Mùa Đông, Đại lễ mùa hè, thực hiện rất tốn kém, tập luyện cơ bản thao diễn thuần thục, hoàn toàn giống như ngày xưa của trường Võ Bị, sẽ làm tăng vẻ trang nghiêm, hùng tráng cho Đại Hội và sẽ tạo tiếng vang trong cộng đồng người Việt ở Hải Ngoại.

Nam Anh:

   Cám ơn ông Vũ Công Dân đã cho Nam Anh và thính giả của đài một cuộc phỏng vấn thú vị và biết thêm được nhiều tin tức về Đại Hội Võ Bị.

    Chúc Đại Hội Võ Bị Toàn Cầu kỳ thứ 22 được thành công mỹ mãn.




Pages