Đàm Thoại Trên Việt Washington DC Radio: Đại Hội 22 và Tình Tự Võ Bị - Đại Hội Võ Bị Toàn Cầu Kỳ Thứ 22

 

 

Tuesday, December 17, 2019

Đàm Thoại Trên Việt Washington DC Radio: Đại Hội 22 và Tình Tự Võ Bị



Nam Anh: Xin chào ông Bùi Phạm Thành, một lần nữa lại đến với chương trình Áo Trận Bạc Màu để phổ biến thêm tin tức về sinh hoạt của Tổng Hội Cựu Sinh Viên Sĩ Quan – Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam ở hải ngoại.

Bùi Phạm Thành: Xin chào tái ngộ Nam Anh cùng toàn thể thính giả của đài Việt Washington DC Radio. Tôi cũng xin gửi lời chào đến quý vị cựu chiến hữu của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa cũng như quý Niên Trưởng, các Bạn và các Anh Cựu Sinh Viên Sĩ Quan của Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam.

Nam Anh: Thưa ông Bùi Phạm Thành, có nhiều thính giả của đài, nhất là những người trẻ, sinh ra và lớn lên ở hải ngoại không có ý niệm gì về Trường Võ Bị Quốc Việt Nam. Vậy thì nhân đây, ông có thể cho thính giả của đài biết sơ qua về Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam được không ạ?

Bùi Phạm Thành: Vâng. Tôi rất cám ơn về câu hỏi của Nam Anh và quý thính giả. Nhân dịp này, tôi cũng xin trình bày vắn tắt để Nam Anh và quý thính giả biết sơ qua về Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam.

Vì ngôi trường của chúng tôi ở trên Đà Lạt, nên mọi người vẫn gọi tắt là Trường Võ Bị Đà Lạt và gọi chúng tôi là Sĩ Quan Đà Lạt. Riêng chúng tôi thì gọi ngôi trường thân yêu này là Trường Mẹ, và gọi các người đàn anh, lớp trên, là Niên Trưởng. Hai chữ Niên Trưởng này đối với chúng tôi là tiếng gọi thân tình và trân quý để gọi người đàn anh cùng trường, quan trọng hơn cả cấp bực ở trong quân đội.

Bởi vì, trong thời chiến, ở ngoài đơn vị thì người đàn em có thể vì chiến công mà lên lon và giữ chức vụ cao hơn đàn anh của mình. Thế nhưng khi gặp gỡ thân tình như trường hợp họp Đại Hội Võ Bị, khi đó xung quanh toàn là Võ Bị, thì người đàn em vẫn gọi người đàn anh là Niên Trưởng mà không kể gì đến cấp bậc. Đó là đặc điểm của một trong những truyền thống lâu đời của Võ Bị.

Bây giờ thì hai chữ Niên Trưởng được dùng nhiều ở nơi khác, khiến anh em chúng tôi, đặc biệt là cá nhân tôi, đôi khi hiểu lầm rằng những người đó cũng là Cựu Sinh Viên Sĩ Quan của Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam.

Nam Anh: Thảo nào Nam Anh vẫn nghe ông và một vài người gọi ông Trần Quang Duật là Niên Trưởng, và thỉnh thoảng nghe ông Trần Quang Duật gọi một vài người khác là Niên Trưởng. Thì ra là tiếng gọi của huynh đệ cùng trường với nhau. Vậy thì người Niên Trưởng có gọi người đàn em là Niên Đệ hay không, thưa ông?

Bùi Phạm Thành: Thực sự thì chúng tôi không dùng hai chữ “Niên Đệ” mà dùng chữ “Anh” để gọi người lớp dưới. Khỏang chừng vài năm gần đây, chúng tôi thấy trên diễn đàn của Tổng Hội Võ Bị có một số người dùng hai chữ “Niên Đệ” khi viết về người đàn em, thế nhưng khi nói chuyện thì không bao giờ dùng từ ngữ đó để gọi người đàn em khóa sau.

Nam Anh: Thì ra đây là truyền thống và đặc điểm của Võ Bị để nhận nhau. Nhân đây, xin ông cho biết thêm một chút nữa về Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam được không ạ?

Bùi Phạm Thành: Cám ơn Nam Anh, tôi xin vắn tắt thêm ở đây là Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam bắt đầu được thành lập từ năm 1948 ở ngoài Huế. Sau hai khóa đầu tiên, trường được dời lên Đà Lạt, và tiếp tục cho đến năm 1975. Trong thời gian này, trường đã huấn luyện 31 khóa chính, được đánh số từ 1 đến 31, trong số đó thì 2 khóa sau cùng là 30 và 31, vì thời cuộc nên chưa mãn khóa. Có 2 khóa phụ là khóa “Trung Đội Trưởng Cấp Tốc” và khóa “Vương Xuân Sỹ”. Ngoài ra còn vài khóa nữa nhưng không phải là khóa phụ vì họ là một phần của trường sĩ quan trừ bị Thủ Đức được gửi lên Đà Lạt học quân sự và họ làm lễ tốt nghiệp ở trường Thủ Đức với cấp bậc Chuẩn Úy trừ bị. Trong thời gian hoạt động, Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam đã đào tạo được trên 6,000 sĩ quan hiện dịch cho Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.

Kể từ khóa 22, năm 1965, trường chuyển qua chương trình huấn luyện 4 năm, và từ khóa 25, năm 1968, trường chuyển qua chương trình huấn luyện sĩ quan Liên Quân Chủng cho cả ba quân chủng Hải, Lục và Không Quân, và tốt nghiệp với văn bằng Cử Nhân Khoa Học Ứng Dụng.

Nam Anh và quý thính giả có thể tìm đọc về lịch sử của Trường Võ Bị qua quyển Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam - Theo Dòng Lịch Sử.

Đây là một quyển lịch sử dầy trên 800 trang, duy nhất, đầy đủ và chính sác nhất về ngôi trường của chúng tôi. Bởi vì những bài tiểu sử của khóa đã được chính những người trong khóa chung sức viết nên. Chúng tôi xem quyển sách lịch sử này là di sản quý giá nhất của những Cựu Sinh Viên Sĩ Quan và Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam để lại cho hậu duệ Võ Bị, đồng thời là tài liệu tham khảo cho những nhà nghiên cứu về quân sử và thế hệ thanh niên Việt Nam tương lai trên toàn thế giới. Quyển sách này cũng đã được chấp thuận và lưu giữ trong Thư Viện Quốc Gia Hoa Kỳ.

Nam Anh: Wow! Như vậy có thể nói đây là một điểm son, một vinh dự, không những cho Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam mà cho cả Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Thế rồi sau năm 1975 thì sao thưa ông?

Bùi Phạm Thành: Sau năm 1975, ở Hoa Kỳ, chúng tôi cũng như bao nhiêu người Việt Nam tị nạn cộng sản khác, như bầy chim lạc đàn, biệt xứ, nên đã qui tụ lại và lập ra một hội ái hữu, phi chính trị, với tên gọi là Tổng Hội Cựu Sinh Viên Sĩ Quan Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam. Và cứ mỗi 2 năm là có mội Đại Hội Võ Bị Toàn Cầu, với một trong những mục đích chính là để anh em có dịp gặp gỡ, hàn huyên, thăm hỏi và ôn lại những kỷ niệm từ những ngày đầu tiên bỏ áo thư sinh bước qua cổng Nam Quan, tên gọi cổng trường của chúng tôi, để tập sự làm lính rồi sau đó là những tháng năm dài xông pha lửa đạn.

Nhắc đến Trường Mẹ và Đại Hội Võ Bị, khiến tôi không khỏi nhớ đến bài hát của một vị Niên Trưởng thuộc khóa 19 tên là Hoàng Gia Thành. Nếu có thể, xin Nam Anh cho chúng tôi nghe lại bản “Đà Lạt Trường Tôi”, được không cô?

Nam Anh: Vâng, xin mời quý vị cùng nghe nhạc phẩm “Đà Lạt Trường Tôi” sáng tác và trình bày bởi Cựu Sinh Viên Sĩ Quan khóa 19, Hoàng Gia Thành.

---- Bài hát Đà Lạt Trường Tôi ----

Bùi Phạm Thành: Cám ơn Nam Anh đã cho chúng tôi nghe lại bản nhạc “Đà Lạt Trường Tôi”. Bài hát này như “tiếng chim gọi đàn” mời gọi anh em Võ Bị trên toàn thế giới về họp Đại Hội Võ Bị Toàn Cầu kỳ thứ 22.

Nam Anh: Theo Nam Anh thấy thì việc tham dự Đại Hội xem ra cũng là một trở ngại cho những người ở xa, mà Đại Hội lại chỉ có 3 ngày thì không mấy thuận lợi và không có nhiều thì giờ thăm hỏi nhau, phải không thưa ông?

Bùi Phạm Thành: Vâng, cá nhân tôi và nhiều anh em khác cũng có cùng ý nghĩ như Nam Anh.

Thông thường thì khi về họp Đại Hội thì anh em mỗi người ở một nơi, khách sạn hay nhà của thân nhân hoặc bạn hữu. Vì thế việc gặp gỡ nhau không dễ dàng, mà có gặp thì cũng chỉ vài ba người một lúc mà thôi.

Bởi vậy, để tạo phương tiện cho anh em từ xa về họp mặt có nhiều thời gian hàn huyên, gặp gỡ, ba vị Niên Trưởng của chúng tôi là Niên Trưởng Hoàng Mão, khóa 20, Niên Trưởng Trần Ngọc Lình, khóa 21, và Niên Trưởng Mai Văn Tấn, cũng thuộc khóa 21, đã tự nguyện đứng ra làm “Mạnh Thường Quân” thuê 3 căn nhà Vacation Home, gần nơi hội họp, để anh em, từ xa về, có nơi tạm trú trong ba ngày đại hội. Đồng thời Ban Tổ Chức cũng thuê xe và kêu gọi được vài anh em tình nguyện làm “tài xế” để việc di chuyển được thuận tiện và dễ dàng hơn.

Việc làm của ba vị Niên Trưởng nói trên không những là một sáng kiến tuyệt vời, mà còn nói rõ ý nghĩa của tình anh em Võ Bị, mà chúng tôi vẫn gọi là “Tình Tự Võ Bị”, một tình cảm đặc biệt của những người con của Trường Mẹ. Hiện nay thì số người ghi tên tạm trú đã gần 60 người. Ban Tổ Chức Đại Hội có chương trình thuê thêm vài căn nhà Vacation Home nữa để có thể làm nơi tạm trú cho trên 100 người.

Nhân đây, chúng tôi xin lập lại lời của Ban Tổ Chức là mời quý Niên Trưởng, các Bạn và các Anh tiếp tục theo dõi, liên lạc và ghi danh tạm trú, không phải lo gì về chỗ ở và phương tiện di chuyển, như thế thì sẽ có nhiều thì giờ hàn huyên, tâm sự với nhiều anh em, bạn hữu, mà bình thường rất khó có dịp gặp mặt.

Quy tụ về các ngôi nhà Vacation Home này thì giống như là đi ngược lại thời gian để sống lại những ngày còn thụ huấn ở Trường Mẹ. Có thể lại có dịp gặp lại người bạn cùng phòng, những vị Niên Trưởng đã từng hướng dẫn mình trong những ngày đầu tiên mặc áo lính, hoặc gặp lại những người đàn em mà mình đã có công huấn luyện họ theo đúng với truyền thống Võ Bị… Đó là chưa nói đến những chuyện của thời binh lửa, đã cùng nhau chung vai, sát cánh tung hoành trên bốn vùng chiến thuật.

Hãy cố gắng để quy tụ cùng nhau trong ngày Đại Hội, trong các căn nhà Vacation Home này để được một lần nữa nhìn mặt nhau, tay nắm tay “Hướng Về Trường Mẹ”. Vì với tuổi đời chồng chất lên vai và ghi rõ nét trên tóc, thì những dịp gặp gỡ quý báu như thế này càng ngày càng trở nên khó khăn và thưa thớt.

Biết bao nhiêu chuyện để nói, bao nhiêu kỷ niệm để nhắc lại. Như kỷ niệm của thời Tân Khóa Sinh, tuy thời gian này chỉ có tám tuần, nhưng là đoạn đường gian khổ nhất trong toàn thời gian thụ huấn ở quân trường Võ Bị Đà Lạt. Để sau đó, bồn chồn, nao nức và hãnh diện trong lễ gắn Al-pha, khi được các vị Niên Trưởng gắn lên vai áo của mình chiếc Al-pha đỏ, sau khi đã chinh phục đỉnh núi Lâm Viên, thả trái khói vàng để báo hiệu cho Đà Lạt biết rằng lại vừa có một khóa mới đã hoàn thành giai đoạn đầu tiên và khó khăn nhất để được chấp nhận là Sinh Viên Sĩ Quan năm thứ nhất của Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam.

Thời gian Tân Khóa Sinh này cũng là một đặc điểm, một truyền thống của Võ Bị, một phương pháp huấn luyện gọi là “Tự Chỉ Huy”, đàn anh chỉ huy và huấn luyện đàn em, khiến anh em chúng tôi trở nên thân thiết, gắn bó, và giúp đỡ nhau trong thời chiến cũng như thời bình.

Nam Anh: Xin cám ơn ông Bùi Phạm Thành đã cho biết, tuy vắn tắt, nhưng cũng đủ để Nam Anh và quý thính giả biết đôi chút về Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam và “Tình Tự Võ Bị”. Nam Anh hy vọng sẽ còn có những dịp khác để được nói chuyện cùng ông về Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam và các sinh hoạt của Tổng Hội Võ Bị ở hải ngoại. Nam Anh xin chúc Đại Hội Võ Bị Toàn Cầu kỳ thứ 22 được thành công mỹ mãn.

Bùi Phạm Thành: Xin cám ơn Nam Anh và quý thính giả của đài Việt Washington DC Radio. Nhân đây tôi cũng xin nhắc lại lời mời toàn thể Quý Niên Trưởng, các Bạn và các Anh cùng thân hữu Võ Bị về tham dự Đại Hội Võ Bị Toàn Cầu kỳ thứ 22 sẽ được tổ chức trong 3 ngày 22, 23 và 24 tháng 5 năm 2020 tại thành phố Westminster, California.

Chào Tự Thắng.


Pages