Chính Danh - Đại Hội Võ Bị Toàn Cầu Kỳ Thứ 22

 

 

Thursday, September 19, 2019

Chính Danh


Bùi Phạm Thành, K25  
 (Đại Hội Võ Bị kỳ thứ 22)  

Chính Danh có nghĩa là "Gọi tên cho đúng" với một định nghĩa đơn giản là "mỗi sự việc, mỗi người đều phải có đủ các ý nghĩa nêu bởi tên gọi sự việc đó, hay người đó," thí dụ như cấp chỉ huy phải hành xử trong danh dự, trách nhiệm, và khả năng khi thi hành nhiệm vụ. Người lính phải tuân theo mệnh lệnh của cấp chỉ huy...

Nói chung, thì mỗi người trong xã hội hay tập thể phải hành xử đúng với những giá trị đã được gắn liền, bằng văn bản hay truyền thống, với vị trí mà người đó hiện đang nắm giữ. Chính danh, vì thế không còn là một học thuyết của Nho Giáo đã dùng để phân biệt giai cấp, mà mang ý nghĩa của ông bà ta vẫn nói "Danh chính, ngôn thuận" để cho thấy rằng nếu không có "Chính Danh" thì có dùng bao nhiêu lời nói, lý luận cũng không thể khiến người nghe thuận lòng, đồng ý. Trừ trường hợp đó là lời nói của kẻ độc tài có kèm theo bạo lực thì cho dù không "Chính Danh" người nghe vẫn phải tuân theo để không bị đàn áp, khủng bố, có thể nguy hại đến sinh mạng của cá nhân, gia đình, và thân thuộc, như hiện nay ở trong nước dưới sự cai trị độc đoán và tàn bạo của đảng cộng sản Việt Nam. Nếu phản kháng, không tuân theo thì phải tìm nơi tránh nạn, như trường hợp cả triệu người di tản tránh nạn cộng sản từ Bắc vào Nam năm 1954, rồi thì hàng trăm ngàn người từ Việt Nam di tản ra hải ngoại năm 1975 và tiếp tục hàng chục năm sau đó.

Hiểu như thế chúng ta mới thấy hai chữ "Chính Danh" luôn luôn có giá trị trong xã hội, cũng như trong một phạm vi nhỏ hẹp của các sinh hoạt hội đoàn ở hải ngoại.

Chính Danh, trong nhiều trường hợp, được thể hiện dưới hình thức chọn lựa của quần chúng, là sức mạnh của đám đông, và như thế Chính Danh đồng nghĩa với việc được đa số quần chúng ủng hộ.

Thử lược qua một vài sự kiện trong lịch sử Việt Nam và quốc tế thì sẽ thấy lẽ Chính Danh được biểu dương bằng sự lựa chọn của đám đông, đa số:


  • Hội Nghị Diên Hồng, năm 1284, dưới thời nhà Trần là sự lựa chọn, là sức mạnh của toàn dân Việt Nam để chống lại quân Nguyên Mông xâm lăng bờ cõi. Đây là một sự chọn lựa giữa cái sống và cái chết, giữa tự do và nô lệ. 
  • Cuộc di cư của hơn một triệu người từ Bắc vào Nam, năm 1954, là sự lựa chọn của người Việt Nam giữa tự do dân chủ và cộng sản chuyên chế.
  • Trong thời chiến, trước năm 1975, người dân luôn luôn chạy về phía VNCH, đó là sự lựa chọn giữa quốc gia và cộng sản.
  • Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, hàng trăm ngàn người miền Nam Việt Nam đã tìm đủ mọi phương tiện để di tản ra ngoại quốc. Đó là sự lựa chọn giữa tự do và cộng sản.
  • Cuộc xuống đường biểu tình của giới trẻ Hồng Kông trong mấy tháng qua là sự lựa chọn giữa Tự Do, Dân Chủ, Nhân Quyền và đường lối cai trị độc đoán, tàn ác của Trung Cộng.
  • Từ hơn hai chục năm qua, Trung Cộng đã dùng áp lực chính trị và kinh tế để ép buộc hoặc mua chuộc các quốc gia trên thế giới không ủng hộ một quốc gia Đài Loan độc lập. Không được đa số các quốc gia trên thế giới ủng hộ, Đài Loan sẽ mất đi cái Chính Danh để tuyên bố là một quốc gia độc lập.
  • Trong quốc gia Hoa Kỳ thì hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ luôn luôn tranh giành chữ Chính Danh bằng cách đạt được cho thành viên của đảng chức vụ Tổng Thống và đa số ghế Dân Biểu và Nghị Sĩ ở Hạ và Thượng Viện.


Như thế, hiển nhiên, Chính Danh luôn đi đôi với số đông, hay còn gọi là đa số, và thành ngữ có câu "Đa Số Thắng Thiểu Số" để chỉ nguyên tắc tự nhiên, bất thành văn, của đám đông, với điều kiện không bị đàn áp bởi độc tài và bạo lực. Thế cho nên Chính Danh luôn luôn đối đầu với Độc Tài, hay còn gọi là Bạo Quyền khi có kèm theo bạo lực. Trong phạm vi nhỏ hẹp như hội đoàn thì Chính Danh phải đối đầu với Mạo Danh, lợi dụng tên gọi Chính Danh để làm những chuyện sai trái, mang tiếng xấu cho Chính Danh.

Nhìn vào thực trạng của Tổng Hội Cựu Sinh Viên Sĩ Quan Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam (Tổng Hội) thì chúng ta sẽ thấy rõ rằng Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam có 31 khóa chính. Một Tổng Hội 27 khóa dưới sự hướng dẫn của hai vị Cựu Chỉ Huy Trưởng vẫn còn phải đối đầu với một cái gọi là "Tổng Hội 5 khóa" dưới sự lèo lái của vài người có liên hệ và chức vụ với Tập Thể Chiến Sĩ, một hội đoàn tai tiếng đã khiến các vị khai sinh ra nó đều đã xa lìa và chối bỏ.

Riêng với các CSVSQ/TVBQGVN khóa 28, 29, 30 và 31 đã chứng kiến tận mắt sự chọn lựa của dân chúng Đà Lạt và các vùng phụ cận khi Trường VB di tản. Chính các anh đã giúp đỡ họ vì họ đã chọn lựa bên có Chính Nghĩa và Chính Danh. Những khóa đã tốt nghiệp trước đó, hiển nhiên đã nhìn thấy rõ là đồng bào chạy về phía nào. Lẽ dĩ nhiên là cũng có thể có người chạy về phía cộng sản, thế nhưng số người đó rất ít. Sự chọn lựa của chúng ta ngày nay cũng thế giữa 5 khóa và 27 khóa, thì hiển nhiên 27 khóa cùng với hai vị cựu Chỉ Huy Trưởng thì hiển nhiên là có Chính Danh.

Nếu đem con số 27 khóa so với 5 khóa thì đương nhiên 27 khóa phải là đa số, gần như tuyệt đối. Một điều đáng trách là vài thành viên của "Tổng Hội 5 khóa" vẫn mạo danh Tổng Hội để làm những điều sai trái, xấu xa như việc ủng hộ Trần Kiều Ngọc với chủ chương "Không chống cộng, chỉ chống cái ác", và gần đây họp lại đứng sau lưng tung hô chúc tụng Hoàng Kiều, kẻ đã nhục mạ Quân Lực VNCH, khiến cho cộng đồng người Việt và giới truyền thông Việt Ngữ Hải Ngoại chê cười. Hai sự kiện trên cùng với rất nhiều hành động tệ hại của nhóm Mạo Danh trong hơn bốn năm qua đã làm phương hại đến Danh Dự của Trường Mẹ và của tất cả những CSVSQ và Sĩ Quan xuất thân từ ngôi trường đã một thời lừng danh ở Đông Nam Á. Đó là chưa nói đến việc làm ô danh những đồng môn đã Vị Quốc Vong Thân trong xuốt hơn hai mươi năm chinh chiến chống chủ nghĩa cộng sản của đám cầm quyền miền Bắc đem xương máu của thanh niên Việt Nam đánh thuê cho cộng sản quốc tế Nga, Tàu.

Nơi đây, chúng tôi cũng xin có đôi lời để nói với đồng môn. Chúng ta đều là những người đã tình nguyện hy sinh tuổi trẻ để bảo vệ quốc gia và dân tộc, dưới lá Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ và khẩu hiệu "Tổ Quốc, Danh Dự, Trách Nhiệm". Kể từ ngày thành lập năm 1948 cho đến ngày phải tạm đóng cửa năm 1975, hơn 6,000 anh em của 31 khóa xuất thân từ Trường Mẹ, cũng như những khóa vẫn còn đang thụ huấn, đã hàng ngàn người ngã xuống vì lý tưởng và hàng ngàn người khác bị thương tật xuốt đời. Chúng ta, những người còn sống xót sau cuộc chiến Quốc-cộng tang thương và đẫm máu, thì hãy dùng giây phút tĩnh tâm, suy nghĩ về tình đồng môn, về Danh Dự của của người CSVSQ/TVBQGVN, về chính nghĩa quốc gia, và nhất là hai chữ Chính Danh của Tổng Hội dưới sự hướng dẫn của hai vị cựu Chỉ Huy Trưởng thân thương và đáng kính của chúng ta, cựu Đại Tá Đỗ Ngọc Nhận và cựu Trung Tướng Lâm Quang Thi, những người đã cùng chúng ta tự hào "Một Ngày Võ Bị, Một Đời Võ Bị. Một Trường Võ Bị Vẹn Toàn và Một Khối CSVSQ/TVBQGVN Không Chia Rẽ."

Đứng trước ngã rẽ của con đường, hay trước đội hình của hai hàng quân, một bên là 5 khóa và bên kia là 27 khóa, thì việc Chính Danh đã rõ ràng và sự lựa chọn vì thế cũng dễ dàng. Thành ngữ có câu "Thắng người thì dễ, thắng mình rất khó", đồng thời châm ngôn của chúng ta là "Tự Thắng Để Chỉ Huy" đã nói lên ý chí và quyết tâm của một CSVSQ/TVBQGVN. Hãy Tự Thắng để vượt qua những khác biệt nhỏ bé, hãy chọn con đường chính nghĩa, một đơn vị Chính Danh của đa số đồng môn. Trường Mẹ, cũng như các bà Mẹ Việt Nam, luôn luôn mở rộng vòng tay nhân từ để đón những người con lạc lối trở về. Đồng môn, anh em cùng Trường Mẹ, lúc nào cũng tay bắt mặt mừng để cùng xiết chặt tay nhau "Hướng Về Trường Mẹ", cùng khôi phục lại Danh Dự và Truyền Thống của Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam.

Chào Tự Thắng

Bùi Phạm Thành, K25
(Đại Hội Võ Bị kỳ thứ 22)




Pages