Thư Gửi Đồng Môn: Nói Với Người Thầm Lặng - Đại Hội Võ Bị Toàn Cầu Kỳ Thứ 22

 

 

Monday, December 9, 2019

Thư Gửi Đồng Môn: Nói Với Người Thầm Lặng





Không biết câu “Im lặng là vàng” của Việt Nam và câu tiếng Mỹ “Speech is silver and silence is golden” thì câu nào có trước. Theo ghi nhận trên sách vở thì năm 1831, một học giả người Anh gốc Ái Nhĩ Lan tên là Thomas Carlyle, đã phiên dịch qua tiếng Anh từ câu châm ngôn đã có từ thời cổ đại của người Ai Cập.

Tuy nhiên, nếu nhìn lại lịch sử của thế giới thì những nhà tranh đấu cho tự do, dân chủ, nhân quyền không bao giờ im lặng. Họ không chủ trương dùng vũ lực chứ không phải là im lặng.

Chúng ta, tuy không phải đang ở trong một cuộc tranh chấp, nhưng là một cố gắng để hàn gắn sứt mẻ, để xóa bỏ bất đồng, và quan trọng hơn cả là phục hồi Danh Dự cho chúng ta và cho Trường Mẹ, đã bị một số CSVSQ làm hoen ố ở ngoài cộng đồng người Việt tị nạn cộng sản.

Có thể chúng ta giữ im lặng vì sợ “Sự thật mất lòng”, sợ vướng vào lỗi lầm khi phát biểu, sợ bị kẻ gian trích đoạn ngắt câu làm sai lạc ý nghĩa ... Thế nhưng châm ngôn cũng có câu “Nếu chúng ta không nói thì ai sẽ nói cho chúng ta?” Chúng ta đã giữ im lặng quá nhiều lần và quá lâu để phải hứng chịu những hậu quả xấu và gần như không thể biện minh để thay đổi được.

Chúng ta đã giữ im lặng trước kết quả bầu cử Tổng Hội Trưởng ở Đại Hội XX vào tháng 6 năm 2016 tại Nam California, trong một cuộc bầu cử có dàn dựng và vi phạm Nội Quy của Tổng Hội.

Chúng ta đã im lặng trước sự đàn áp, cấm đoán, thậm chí xua đuổi anh em ra khỏi Diễn Đàn Tổng Hội, và hy vọng rằng hai năm sau sẽ có thay đổi. (1)

Chúng ta cũng giữ im lặng khi Ban Đại Diện Võ Bị Bắc Cali bị tước đoạt quyền tổ chức Đại Hội XXI theo biên bản của Đại Hội XX , để rồi 2 năm nữa lại lặng lẽ trôi qua.




Và rồi chúng ta cũng giữ im lặng khi một ông Tổng Hội Trưởng Võ Bị nhiệm kỳ 2016-2018 ca tụng cô luật sư Trần Kiều Ngọc, người đã từng tuyên bố “không chống cộng chỉ chống cái ác”, đồng thời chụp hình trước logo của Đại Hội Võ Bị kỳ thứ XX để người ngoài tưởng rằng cả Đại Hội Đồng Võ Bị ủng hộ cô ta.




Chúng ta cũng im lặng khi họ xum xoe tâng bốc, nịnh hót một kẻ trọc phú đầy tai tiếng trong cộng đồng, vùng phố Bolsa, để rồi bị đồng hương chê bai, nguyền rủa: “À thi ra VB cũng vậy!” và như thế Danh Dự của chúng ta và trường Mẹ cũng bị lây phần hoen ố.

Chúng ta cũng im lặng trước việc một vị Tổng Hội Trưởng, được 27 khóa tín nhiệm, năm lần mở rộng vòng tay mời ông Tổng Hội Trưởng, hay đúng ra phải gọi là Liên Hội Trưởng, của 5 khóa cùng ngồi xuống để bàn chuyện thống nhất. Thế nhưng cả 5 lần đều bị ông Liên Hội Trưởng 5 khóa từ chối với câu nói cố hữu “chưa sẵn sàng.” (2)

Chúng ta cũng vẫn im lặng trước những lời của thành viên Liên Hội 5 khóa gọi chúng ta, bao gồm 27 khóa và nhị vị Cựu Chỉ Huy Trưởng của TVBQGVN, là “phản loạn”.

Chúng ta vẫn im lặng khi họ tuyên bố không muốn dùng bài viết tiểu sử của từng khóa, nhưng lại gọi chúng ta là “ăn cướp tài sản của Tổng Hội”, trong khi chúng ta có đầy đủ thủ bút và điện thư đồng ý của các tác giả viết bài tiểu sử khóa. Chúng ta xuất bản quyển TVBQGVN-TDLS để lưu lại cho hậu thế lịch sử của chúng ta và của Trường Mẹ. Nếu chúng ta không viết, thì chỉ vài năm nữa văn công cộng sản Việt Nam cũng sẽ viết theo ý của chúng, để dìm chúng ta và Trường Mẹ xuống bùn đen, và khi đó chúng ta không có gì để đối đáp lại, hoặc cũng chỉ im lặng, khuất phục để chìm dần vào quên lãng. (3)

Chúng ta đã im lặng khi người điều hành diễn đàn Tổng Hội viết thư nhục mạ vị Cựu Chỉ Huy Trưởng của Trường Mẹ chỉ vì ông vẫn mong ước một ngày nào đó khôi phục lại quê hương. Và chúng ta tiếp tục im lặng khi một người viết bài cầm gậy đánh chó xông vào diễn đàn của chúng ta để đánh đập và xua đuổi chúng ta một lần nữa.

Chúng ta im lặng vì sợ sứt mẻ tình Võ Bị, phai nhạt nghĩa đồng môn, mang tiếng thị phi cho Trường Mẹ. Nhưng sự im lặng như thế không những không phải là vàng, mà là sự cúi đầu khuất phục trước những kẻ ngang ngược tiếp tục bôi bẩn Trường Mẹ. Nếu cứ tiếp tục như thế thì chúng ta sẽ còn phải giữ im lặng bao nhiêu lần và trong bao lâu nữa để, sau cùng, còn sót lại một chút danh dự, một chút tự hào là CSVSQ của TVBQGVN?

Manh áo trận của chúng ta không những đã bạc màu, mà còn bị hoen ố, bị rách, bị vá chỗ này chỗ kia. Thảm thương thay cho những người lính già im lặng khoác chiếc áo đó mà mờ dần theo thời gian. Khi xuôi tay thì bao nhiêu vàng thu góp được qua sự im lặng cũng tan theo mây khói. “Cọp chết để da, người ta chết để tiếng.” Ngọn nến trước khi tắt còn thả lên trời một chút khói sau cùng. Thế nhưng, ra đi trong sự cúi đầu im lặng khuất phục, thì hiển nhiên là chẳng để lại một dấu vết tốt lành nào cả. Hậu duệ của sự im lặng cũng sẽ phải câm nín để trôi theo dòng thời gian, và lịch sử của sự im lặng là một trang giấy ố vàng, không một nét chữ.

Thử hỏi Hai Bà Trưng, Lê Lợi và biết bao nhiêu anh hùng dân tộc khác trong lịch sử không mạnh dạn đứng lên khởi nghĩa chống quân tàu xâm lăng, hay Trần Hưng Đạo không viết bài Hịch Tướng Sĩ để khơi động lòng yêu nước của binh sĩ thì dòng giống Việt chắc gì đã tồn tại cho đến ngày nay.

Chúng ta, ai cũng biết rằng ở đời, đến một tuổi nào đó, ai mà chẳng muốn hưởng chút an bình. Nhất là chúng ta đã trải một phần đời trong cuộc chiến tranh tàn khốc vừa qua và rất nhiều người còn bị đọa đày hàng chục năm trong các trại tù “cải tạo” sau khi cộng sản nhuộm đỏ toàn cõi Việt Nam.

Còn gì thú vị hơn, buổi sáng thức dậy nghe chim hót trong tia nắng bình minh lấp lánh qua những giọt sương đọng trên cành cây và ngắm nhìn những cánh bướn lượn vòng quanh những nụ hoa vừa chớm nở… Mời quý vị nghe nhạc phẩm “Một Ngày Bình Yên”, sáng tác và trình bày bởi CSVSQ/K25 Bùi Phạm Thành.

———— bài hát Một Ngày Bình Yên ————

Vâng, chúng ta, ai chẳng muốn có những ngày bình yên như thế. Nhưng chúng ta đã có một thời tình nguyện khoác áo chiến binh, hy sinh tuổi trẻ để bảo vệ quê hương, viết lên những trang chiến sử oai hùng cho Quân Lực VNCH cũng như cho Trường Mẹ, để cùng nổi trôi “Theo Dòng Lịch Sử” của quốc gia và dân tộc Việt Nam. Thử hỏi ngày nay, chúng ta có thể tìm được sự bình yên bằng cách quay lưng lại, giữ im lặng trước một nhóm nhỏ vẫn liên tục làm hại đến Danh Dự của chúng ta và của Trường Mẹ hay không?

Chúng ta hãy cùng nhau bỏ qua những bất đồng, gạt bỏ những e ngại không đủ lý do, xóa đi những lằn ranh vô hình của khóa, của nhóm … Cùng nhau thể hiện “Tình Tự Võ Bị” bằng hành động để nói với anh em, với đồng hương, rằng chúng ta không hề quên trách nhiệm của người lính của QLVNCH, chúng ta không bao giờ quên nguồn gốc là CSVSQ của TVBQGVN. Chúng ta hãy cùng quy tụ lại để nắm chặt tay nhau “Hướng Về Trường Mẹ”, nhớ lại thời còn thụ huấn trên Đà Lạt và thời binh lửa đã qua trên bốn vùng chiến thuật.

Cho dù một ngày nào đó, theo luật tuần hoàn của trời đất, chúng ta cũng sẽ mờ dần theo thời gian, nhưng danh tiếng của những người CSVSQ của TVBQGVN sẽ mãi mãi lưu truyền cho hậu thế.

Ta rồi sẽ mờ dần theo năm tháng,
Nhưng danh thơm tồn tại với thời gian.

Hẹn gặp toàn thể quý Niên Trưởng, các Bạn và các Anh trong ngày “Hướng Về Trường Mẹ” của Đại Hội Võ Bị Toàn Cầu kỳ thứ 22 trong ba ngày 22, 23, và 24 tháng 5 năm 2020 tại thành phố Westminster, thuộc miền nam của tiểu bang California.

Chào Tự Thắng.

Thay mặt ban Truyền Thông và Báo Chí
CSVSQ/K25 Bùi Phạm Thành
Trưởng ban



Tham khảo:

(1) Thông Báo Số 2 (của Tsu A Cầu)
https://daihoivobitoancau.org/thong-bao-so-2-cua-csvsq-stu-a-cau-k29/

(2) Tường Trình Về Nỗ Lực Thống Nhất Tổng Hội
https://drive.google.com/file/d/1SfgNnnMGm38dt0rO7-_VjMCPE3Uoox3j/view?usp=sharing

Thư Ngỏ của Tổng Hội Trưởng Lưu Xuân Phước
https://docs.google.com/document/d/1MnxXy7LKjchvhpxlhUNH2K-iufRyi_pHz-wQs13shQQ/edit?usp=sharing

(3) Danh sách các khóa đồng ý đăng tiểu sử khóa trong sách TVBQGVN-TDLS
https://drive.google.com/file/d/1n2lQRSQK-5x_1GYlzAjJp-ayX_Ov70OH/view?usp=sharing




Pages